05/06/2007 06:14 GMT+7

Năm ngày không quên!

TRUNG DÂN
TRUNG DÂN

TT - Sáng nay 5-6, giải kết thúc tại nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM bằng trận chung kết giữa Kontum và Gia Lai. Đúng như tên gọi của giải, đây là sân chơi đặc biệt nhất trong tất cả giải đấu thể thao từng diễn ra ở VN.

sjkE4Iln.jpgPhóng to
Niềm vui của các cầu thủ Gia Lai sau khi giành quyền vào chung kết - Ảnh: Trung Dân
TT - Sáng nay 5-6, giải kết thúc tại nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM bằng trận chung kết giữa Kontum và Gia Lai. Đúng như tên gọi của giải, đây là sân chơi đặc biệt nhất trong tất cả giải đấu thể thao từng diễn ra ở VN.

Có thể nói, năm ngày tập trung về TP.HCM tham dự vòng chung kết đã để lại cho các cầu thủ nhí những kỷ niệm đẹp. Bởi đó là dịp để những mảnh đời bất hạnh có dịp hòa mình vào cuộc sống hồn nhiên của trẻ thơ.

Rời làng ra phố!

Trong số tám đội dự giải, gây ấn tượng đặc biệt nhất với khán giả TP.HCM là các cầu thủ của hai đội Gia Lai và Kontum. Đây là hai đội bóng có đến 8/10 cầu thủ là người dân tộc Gia Rai và Ba Na.

Sinh ra và lớn lên từ buôn làng, đời sống của các cầu thủ nhí này phần lớn đều gắn liền với nghề nông. Và từ đây đã xảy ra chuyện cười ra nước mắt đối với HLV của hai đội bóng này, khi trước giờ vào trận đã có đến 2/3 cầu thủ bị dật dờ do say ôtô.

HLV Lê Văn Bưu của đội Gia Lai tâm sự: “Từ nào đến giờ, có em chưa bao giờ được đi ôtô. Do vậy, việc phải di chuyển đoạn đường khoảng 5km từ chỗ ở là Trung tâm thể thao Công an TP.HCM đến nhà thi đấu Quân khu 7 đã khiến nhiều em bị ói mửa. Từ đây, nhiều em nhất quyết đòi đi bộ chứ không chịu ngồi ôtô. Thế là chúng tôi phải thuê xe ôm để chở các em”.

HLV Lê Văn Bưu kể năm ngày qua là quãng thời gian đẹp nhất đời các em vì nhờ giải này các em mới “được ở khách sạn”, “được cho cái áo mới”, “được đá trái banh đẹp”... Cầu thủ Rơ Chăm Ót (đội trưởng đội Kontum) nói với gương mặt ngập tràn hạnh phúc: “Đá banh trên sàn gỗ sướng gấp mấy lần trên sân ximăng nên tụi em sướng lắm! Do đó đứa nào cũng cố gắng...”.

Mong mãi được đá bóng...

Đó là tâm trạng chung của gần 80 cầu thủ nhí tham dự giải này. Thủ môn Phạm Quang Tuấn (Trường Giáo dưỡng 5) cho biết kể từ ngày 1-6 em đã hết thời hạn tập, lao động tại trường, nhưng sau giải này chưa biết sẽ đi đâu về đâu do không biết sẽ làm gì khi ra trường.

Cùng tâm trạng như Tuấn, em Lê Hoàng Lĩnh (quê ở An Minh, Kiên Giang) kể: “Cách nay hai năm, anh trai Lê Hoàng Nhã cũng đã được gọi vào đội bóng đá trẻ của huyện An Minh tham dự giải nhi đồng của tỉnh. Nhưng sau đó mẹ bán heroin bị bắt đi tù, ba em buồn đời ra Rạch Giá thuê nhà chạy xe ôm. Không ai chăm sóc, hai anh em tụi em đâm ra lêu lổng phạm tội quậy phá bị bắt đưa vào trường này. Em dự định sau này ra trường về quê xin đá bóng tiếp. Mơ vậy chứ không biết có ai còn dám nhận mình hay không”.

Nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ nhí có dịp thể hiện khả năng của mình một cách tốt nhất, ngay cả lãnh đạo của hai đội bóng thuộc diện đặc biệt là Trường Giáo dưỡng 4 và Trường Giáo dưỡng 5 từ đầu giải cũng hứa sẽ xem xét giảm thời gian quản thúc nếu các em được Học viện HAGL - Arsenal-JMG hay một CLB nào đó tuyển chọn.

TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên