13/06/2016 11:42 GMT+7

​Giờ làm việc

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Dưới bản tin dãy xe biển xanh đi ăn tiệc giờ hành chính lại có nhiều người nói: “Chuyện thường ngày ấy mà!”...

Nhìn những tấm ảnh chụp hàng dài xe biển xanh chở cán bộ vượt mấy chục cây số đến nhà giám đốc sở ăn đám giỗ ngay trong giờ làm việc, chợt nhớ đến một đoạn trong cuốn bút ký Ánh sáng trong rừng thẳm của đạo diễn lừng danh Roman Karmen ghi lại bảy tháng lặn lội Việt Bắc, Tây Bắc quay bộ phim tài liệu nghệ thuật Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Ông đã ghi lại thật cặn kẽ ấn tượng của mình trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với “đồng chí Hồ Chí Minh”: 

- Một ngày đồng chí làm việc bao nhiêu tiếng?”. 

- Chim chóc đánh thức tôi - Người nói - Còn tôi đi nằm khi những vì sao xuất hiện trên trời. 

“Sau này chúng tôi biết rằng không hẳn hoàn toàn như vậy. Không ít lần chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chống gậy đi trong đêm dưới ánh cây đuốc nứa mà người bảo vệ đồng hành soi đường trên lối mòn nhỏ hẹp trong những cánh rừng già. Chủ tịch trở về hoặc từ một chuyến vi hành xa, hoặc từ một cuộc họp Chính phủ, hoặc sau cuộc chuyện trò kéo dài với những người từ xa đến thăm Người” - đạo diễn Roman Karmen cho biết. 

Thái độ làm việc như vậy của Hồ Chủ tịch đã kéo cả triệu người cùng lao vào cuộc chiến đấu, lao động thật sự quên mình, “một người làm việc bằng ba”. Cuộc chiến đấu và lao động thấm đẫm máu, nước mắt, mồ hôi và những hi sinh cá nhân để có được đất nước, chính quyền như hôm nay. 

Hôm nay, Luật lao động quy định thời gian làm việc không quá 8 giờ một ngày, 48 giờ một tuần. Hôm nay, những cán bộ nguyện đi theo con đường của Đảng, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có biết quý trọng và tuân thủ giờ giấc làm việc đó hay không?

Cũng hôm nay, dưới bản tin dãy xe biển xanh đi ăn tiệc giờ hành chính lại có nhiều người nói: “Chuyện thường ngày ấy mà!”. Nói vậy có nghĩa rằng đây chẳng phải việc gì hi hữu, mà là việc từng xảy ra nhiều lần, với nhiều người, ở nhiều nơi đến mức đã thành quen, đến mức có nhiều người đã chẳng còn bức xúc. Thế thì phải chăng cuộc sống của người dân cũng đã quá hạnh phúc, sung túc để những cán bộ “công bộc của dân” có thể thoải mái đến nhường ấy?

Câu hỏi này hẳn sẽ khơi lên hàng ngàn nỗi bức xúc trong người dân, khi mà mỗi ngày nỗi bất an hiện diện trong từng miếng ăn, trên từng đoạn đường; những rắc rối từ thủ tục hành chính còn phổ biến nhiều nơi, gây trở ngại trong từng công việc, trước mỗi cơ hội... 

Đã nhiều lần các chuyên gia kinh tế lên tiếng về bộ máy nhà nước quá nặng nề và ngày càng “nở nồi” ở Việt Nam. Số liệu mới nhất: 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, tức 40 người dân phải trả lương cho một công chức. 40 người dân ấy hẳn sẽ chẳng thể vui khi biết vị công chức đã cam kết “của dân, do dân, vì dân” lại đi dự tiệc, làm việc riêng trong giờ làm việc, trên xe công vụ.

Và những công chức kia có thể vui chăng khi nhớ đến lời thề của mình, nhớ đến những ngày làm việc “từ khi chim cất tiếng hót đến lúc sao sáng trên trời” của Người đã soi đường cho mình, nhớ đến đồng lương, tiêu chuẩn xe công của mình là từ đồng thuế mồ hôi nước mắt của người dân?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên