Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy đã tạo niềm vui dạy, vui học - Ảnh: H.HG.
Đó là cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THCS Đức Trí (quận 1, TP.HCM). Và cô đã chia sẻ hành trình thay đổi mình để đi tìm nụ cười của học sinh.
Để học sinh yêu môn phụ
"Môn này dễ, đâu cần tập trung học đâu cô! Có học trò đã nói thẳng với tôi như thế khi tôi nhắc nhở em phải chú ý nghe giảng, không được làm việc riêng trong lớp. Thậm chí, có em còn nhận xét giáo dục công dân là môn phụ, đâu cần viết bài làm gì" - cô Thủy kể lại.
Điều cô Thủy đang gặp phải cũng là vấn đề chung của nhiều giáo viên "môn phụ" khác. Môn học không được coi trọng, cô giáo không được phụ huynh, học sinh quan tâm. Điều đó có thể bào mòn tình yêu nghề khiến nhiều giáo viên muốn bỏ việc, tìm kiếm nghề khác có thu nhập tốt hơn, được coi trọng hơn.
Nhớ lại những phiền muộn, cô Thủy nói: "Khi để tâm sức tìm hiểu, đặt mình vào học trò, tôi cũng thấy nếu dạy y như nội dung sách giáo khoa thì học sinh thấy nhàm chán là đương nhiên. Môn được xem là chính thì còn cố học để thi, môn phụ thì các em không có động lực học cũng đúng". Cô Thủy cho rằng nếu bản thân mình cũng không coi trọng môn mình dạy là tự dìm mình xuống.
Trong hành trình tự thay đổi đó, cô Thủy rút ra cách dạy học mới: yêu cầu đầu tiên đối với một tiết dạy giáo dục công dân là phải vui vẻ, sinh động. "Tôi nhận ra điều đó khi tổ chức cho học sinh học theo kiểu... game show. Hoặc cho học sinh thảo luận về một vấn đề, rồi thuyết trình, cho học sinh xem phim, clip và trình bày suy nghĩ, nhận xét" - cô Thủy cho biết.
Với cách thực hiện những tiết học vừa học vừa chơi, cô Thủy giờ đây đã trở thành một giáo viên nổi tiếng ở TP.HCM về việc linh hoạt thay đổi cách dạy học, biến môn "vừa phụ vừa chán" thành môn học được học sinh chờ đợi trong tuần.
Đổi mới cách học, gắn liền với đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Những "bài kiểm tra" của cô Thủy đã vượt ra ngoài khuôn khổ tiết học, gắn việc dạy học với việc điều chỉnh hành vi, thái độ sống của học sinh.
"Điểm thực hành" - cách cô Thủy gọi nhằm "đo" thái độ, hành động hằng ngày của học sinh. Ví như học sinh tích cực tham gia các hoạt động, trong các giờ học tham gia xây dựng bài, thuyết trình tốt, ứng dụng vào thực tế... sẽ được ghi 1 điểm cộng. Nếu tích lũy được 10 điểm cộng sẽ được tính 1 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên.
Nhưng ngược lại, học sinh thụ động trong giờ học, nói chuyện riêng... có thể bị trừ điểm. Ba lần có điểm trừ, học sinh sẽ bị trừ 1 điểm trong bài kiểm tra thường xuyên. Cô Thủy không áp dụng hình thức kiểm tra bài cũ vào đầu buổi học. Thay vào đó học sinh sẽ được nghe cô giáo kể chuyện, xem một đoạn phim ngắn hoặc thuyết trình về một vấn đề thời sự. Vì cô cho rằng bắt học sinh trả bài mà các em học thuộc lòng, học vẹt thì cũng không có ý nghĩa gì cả.
Theo cô Thủy, nhiệm vụ của môn giáo dục công dân chính là việc "dạy người". Nhiều em thuộc bài và đọc bài ro ro nhưng lại có cử chỉ, hành động, lời nói đi ngược lại với nội dung bài học. "Vì vậy, dù là tiết học vui vẻ, nhưng tôi mong muốn những gì tôi dạy cho học trò thì các em phải thấm, phải vận dụng nó vào cuộc sống thường ngày" - cô chia sẻ.
Thay đổi của cô Thủy bắt đầu từ việc rèn mình trong những việc cụ thể, ví như phải soạn giáo án mỗi ngày. Vì mỗi lớp học sinh, mỗi lứa học sinh sẽ cần những bài học, cách tổ chức dạy học khác nhau. Nếu đem những điều cũ kỹ từng giảng thành công cho học sinh năm trước để dạy cho năm sau, có thể lại thất bại.
Học sinh hào hứng học giờ của cô giáo Lưu Thị Dinh - Ảnh: T.L.
Từ chán nản, họ trở thành thầy cô được yêu mến
Là một trong hàng trăm giáo viên đã tham gia lớp học về "Sứ mệnh người thầy" nằm trong chương trình Dạy học tích cực do cô giáo Trần Khánh Ngọc (Hà Nội) sáng lập, cô Lưu Thị Dinh, giáo viên Trường THPT Thái Ninh (Thái Bình), cho biết từng bị stress nặng, đã nghĩ tới việc rời bỏ nghề giáo để đi làm công nhân.
Cô Dinh kể: "Tôi ra trường năm 2010, trong một thập niên qua thì có gần nửa thời gian tôi stress nặng, chán nản, bất lực. Tôi lập gia đình khi ra trường, rồi sinh đôi. Lương giáo viên hợp đồng chỉ có 800.000 đồng/tháng, tôi phải sống lệ thuộc vào gia đình chồng. Khi ấy, nhiều người nói công việc chưa ổn định mà sao đã vội lấy chồng. Nghề giáo liệu có đủ nuôi mình không, chưa nói đến nuôi con.
Nhưng điều làm tôi căng thẳng hơn là việc tôi không biết làm sao để hoàn thành tốt công việc. Tôi dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Tiết học có 45 phút, nhưng tôi phải dành 30 phút để quát học sinh trật tự và bật khóc vì mệt, bất lực.
Khi thi được vào biên chế, chuyển sang dạy trường công lập, tình hình cũng không khá hơn. Mới về trường đã được giao dạy và chủ nhiệm lớp chọn. Học sinh ở đây có chất lượng đầu vào cao hơn, nhưng tiết học của tôi, các em cũng không tập trung nghe.
Có những giờ sinh hoạt lớp, tôi bỏ xuống phòng chờ của giáo viên để khóc vì thất bại. Tôi được điều chuyển từ dạy lớp chọn sang lớp đại trà. Đó là thời gian tôi rất chán nản, nghĩ rằng mình khó mà trụ được với nghề. Giữa lúc đầy dao động, tôi tình cờ xem những video về dạy học tích cực của cô Trần Khánh Ngọc. Cách dạy học, phong cách của cô Ngọc đã truyền sang tôi một hi vọng mình có thể thay đổi.
Tôi xin lãnh đạo cho đi học khóa học của cô Khánh Ngọc, khi ấy có người nói sao tôi không học lên thạc sĩ mà tham gia khóa học này làm gì. Chỉ tôi hiểu được lựa chọn của mình, vì tôi không cần nâng bằng cấp lúc đó, chỉ cần được thổi vào tôi ngọn lửa từng đã tắt vì thực tế tôi đã trải qua.
Những buổi học về "Sứ mệnh người thầy", về "Những phương pháp dạy học tích cực" đã truyền cảm hứng cho tôi. Quan trọng là cho tôi niềm tin vào sự thay đổi, cho tôi hiểu giá trị của người thầy đối với học sinh.
Môn sinh tôi dạy vốn rất ít học sinh quan tâm, vì trường tôi học sinh muốn thi khối B đại học rất ít, nên trước đó tôi giảng tôi nghe, học sinh đâu nghe tôi. Nhưng khi tôi thay đổi, tôi không đứng giảng 45 phút mà giao việc cho học sinh hoạt động, linh hoạt hơn trong ứng dụng các phương pháp để học sinh phải làm, phải trao đổi, thảo luận, thuyết trình, thì các em không còn thời gian mất trật tự nữa".
Giờ thì cô Dinh khẳng định khi đã quyết tâm thay đổi mình, năng lượng tích cực cũng được truyền từ mình sang học sinh. "Niềm hạnh phúc từ nghề lần đầu tiên tôi được nếm trải, nó khiến tôi vui đến mức bước ra khỏi lớp, tôi cứ cười một mình. Có đồng nghiệp trêu tôi là "điên" nhưng tôi cũng kệ, tôi vui và không muốn kìm nén niềm vui ấy" - cô Dinh kể lại.
Từ giáo viên chán nản, muốn bỏ nghề, vì học sinh không thích học môn của mình, cô Thủy, cô Dinh... đã thay đổi và có thể mỉm cười vì những nụ cười của học sinh.
Từ dạy khó hiểu, thành thầy đội tuyển học sinh giỏi
Thầy Đào Hải Tiệp, giáo viên tin học Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng từng "nổi tiếng" là người dạy khó hiểu, gây áp lực khiến học sinh mệt mỏi, nặng nề.
"Chấp nhận học sinh, giảm mức yêu cầu học tập để tiết học nhẹ nhàng, học sinh bớt áp lực hơn là việc đầu tiên tôi thay đổi. Môn tin học ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống và hỗ trợ các môn học khác. Vì thế thay vì chỉ dạy lý thuyết, tôi hướng dẫn học sinh cách ứng dụng vào các việc có ích khác nhau. Nhìn thấy lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin nên nhiều học sinh quan tâm hơn. Trong đó có những em đam mê và năng lực đặc biệt" - thầy Tiệp kể về hành trình thay đổi mình để thay đổi học sinh.
Trong nhiều năm, đội tuyển học sinh giỏi tin học do thầy Tiệp dẫn dắt nằm trong top trường có giải quốc gia cao. Năm 2020, thầy được trao bằng khen "Giáo viên tin học văn phòng xuất sắc nhất năm" tại cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới - Viettel 2020 (MOSWC - Viettel 2020).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận