Ông Tập thăm Nga, ông Putin viết bài nói cảm ơn
* Hôm nay ông Tập Cận Bình tới Matxcơva, ông Putin viết bài trên Nhân Dân Nhật báo. Theo thông tin do Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tại Nga từ ngày 20 tới 22-3.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông tái đắc cử chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba.
Theo Hãng tin Tass, hôm nay 20-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có bài viết về quan hệ Nga - Trung đăng trên tờ Nhân Dân Nhật báo (Trung Quốc).
Bài viết của ông Putin được đăng bằng bản dịch tiếng Trung Quốc, còn bản tiếng Nga được đăng trên trang web của Điện Kremlin.
"Chúng tôi biết ơn vì đường lối cân bằng của CHND Trung Hoa liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Ukraine, vì đã hiểu được bối cảnh và lý do thực sự của chúng.
Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này" - ông Putin viết.
Theo báo New York Times, trong bối cảnh ông Tập chuẩn bị gặp ông Putin, giới chức Trung Quốc định hình chuyến đi của ông Tập như một sứ mệnh hòa bình, giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu đang theo dõi một điều hoàn toàn khác: Liệu ông Tập sẽ có những động thái khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm căng thẳng hay không.
Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc cung cấp vũ khí - chủ yếu là đạn pháo - cho Nga để sử dụng ở chiến trường Ukraine.
Trong khi đó, các nhà phân tích Trung Quốc bình luận chuyến thăm này của ông Tập được coi là chuyến đi của tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác Trung - Nga và đóng góp vào hòa bình và phát triển toàn cầu, theo Thời báo Hoàn Cầu.
* Triều Tiên sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ, Hàn Quốc? Sáng 20-3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi nước này cần trong trạng thái sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân bất cứ lúc nào để ngăn chặn chiến tranh, đồng thời cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung liên quan đến tài sản hạt nhân của Washington.
Phát biểu của ông Kim được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên cuối tuần qua tiến hành "cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật" nhằm gửi cảnh báo mạnh mẽ tới Mỹ và đồng minh.
Trong cuộc tập trận, một tên lửa đạn đạo đã bay 800km trước khi bắn trúng mục tiêu ở độ cao 800m theo kịch bản tấn công hạt nhân chiến thuật, theo KCNA.
* 9 người Trung Quốc bị sát hại tại Cộng hòa Trung Phi. Theo Hãng tin AFP, hôm 19-3, chính quyền địa phương ở Cộng hòa Trung Phi cho biết những kẻ tấn công có vũ trang đã sát hại 9 công dân Trung Quốc trong một cuộc tấn công vào khu mỏ ở khu vực Bambari của nước này.
"Chúng tôi đã xác định được 9 thi thể và 2 người bị thương" - thị trưởng Bambari, ông Abel Matchipata, nói với AFP.
Ông cho biết thêm, các nạn nhân là công nhân Trung Quốc làm việc tại địa điểm do Tập đoàn Bờ biển vàng (Gold Coast Group) điều hành, cách thị trấn của ông khoảng 25km.
Đức tuyên bố bắt ông Putin nếu sang Đức
* Bộ trưởng Tư pháp Đức tuyên bố ông Putin sẽ bị bắt nếu tới Đức. Theo Đài DW hôm 19-3, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann tuyên bố nước này sẽ tuân theo yêu cầu của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và sẽ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Đức.
Ngày 19-3, khi được hỏi liệu việc Đức thừa nhận lệnh của ICC có thể dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Đức hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nga đã và sẽ làm những gì phục vụ tốt nhất lợi ích của mình. Chúng tôi coi bất kỳ quyết định nào của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin đã yêu cầu cung cấp đánh giá pháp lý về tuyên bố của bộ trưởng tư pháp Đức về việc bắt giữ công dân Nga trên lãnh thổ Đức.
* Chính phủ Pháp đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đối mặt với giây phút quan trọng vào ngày 20-3, khi Quốc hội Pháp chuẩn bị bỏ phiếu về các kiến nghị bất tín nhiệm được trình lên sau khi chính phủ của ông Macron hôm 16-3 dùng quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật tăng tuổi hưu mà không cần sự phê chuẩn của Hạ viện, theo Hãng tin Reuters.
Động thái này diễn ra sau nhiều tuần biểu tình phản đối cải cách hưu trí ở Paris cũng như trên khắp đất nước, với hàng trăm người bị bắt giữ. Tuần trước các nghị sĩ đối lập đã đệ trình lên Quốc hội Pháp hai kiến nghị bất tín nhiệm với Chính phủ Pháp.
* Fed và các ngân hàng trung ương khác thiết lập hoạt động thanh khoản chung. Ngày 19-3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ đã phối hợp hành động cùng với Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Việc phối hợp nhằm tăng cường cung cấp thanh khoản thông qua các thỏa thuận hoán đổi đồng USD, kéo dài từ ngày 20-3 tới ít nhất cuối tháng 4.
Động thái này diễn ra sau một thỏa thuận do chính quyền Thụy Sĩ làm trung gian để ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS mua lại ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse nhằm ngăn chặn sự sụp đổ vô trật tự của ngân hàng này.
UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng Credit Suisse với giá 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,23 tỉ USD) dưới dạng cổ phiếu và đồng ý chịu khoản lỗ lên tới 5 tỉ franc Thụy Sĩ (5,4 tỉ USD).
Đây là vụ sáp nhập chớp nhoáng do chính quyền Thụy Sĩ thiết kế để tránh sự hỗn loạn thêm nữa trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.
Trực thăng cứu trợ
Những đứa trẻ ở thị trấn Mulanje, phía nam Malawi đón chào trực thăng quân đội chở bác sĩ và cứu trợ y tế, vào ngày 18-3, đến cho các nạn nhân của trận bão Freddy gây thiệt hại nặng nề với gần 330 người thiệt mạng, nửa triệu người bị ảnh hưởng - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận