Nga khẳng định lệnh bắt ông Putin vô hiệu
Nga không công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và coi các phán quyết của cơ quan này là vô hiệu lực, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời ngày 17-3 về việc ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Thực tế, đó là điều duy nhất tôi có thể nói với quý vị về quyết định này", Hãng tin Tass dẫn lời ông Peskov chỉ trích lệnh bắt là "thái quá và không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, người phát ngôn Nga không trả lời câu hỏi liệu quyết định của tòa án có ảnh hưởng đến chuyến thăm của ông Putin tới các quốc gia đã công nhận quyền tài phán của ICC hay không.
Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt ông Putin và ủy viên về quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc vi phạm "các tội ác chiến tranh" tại Ukraine.
Nhiều nước phương Tây đã lên tiếng ủng hộ quyết định này. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc Nga phạm tội ác chiến tranh là điều "không phải nghi ngờ", trong khi Pháp tuyên bố "không ai có thể thoát khỏi công lý".
Giải thích về động thái này, công tố viên Karim Khan của ICC giải thích rằng các thẩm phán tin rằng có "cơ sở hợp lý" để nghi ông Putin có trách nhiệm hình sự trong việc hàng trăm trẻ em Ukraine đã được đưa tới Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Khan cho biết ông Putin có thể bị bắt giữ nếu đặt chân đến bất cứ đâu tại 120 quốc gia công nhận ICC.
Công tố viên của ICC cho biết đây chỉ là "bước đầu" và vẫn còn nhiều cuộc điều tra đang tiếp diễn về xung đột ở Ukraine.
* Mỹ nối lại hoạt động do thám trên Biển Đen. Ngày 17-3, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã nối lại hoạt động của các máy bay do thám không người lái sau vụ chiếc MQ-9 Reaper của nước này rơi sau khi va chạm với tiêm kích Su-27 của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức này xác nhận một chiếc RQ-4 Global Hawk đã thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đen cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng khẳng định sẽ không ngừng hoạt động do thám tại khu vực này.
* Nga đồng ý kéo dài thỏa thuận ngũ cốc đến ngày 18-5. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho biết Matxcơva đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine rằng nước này sẽ gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen trong 60 ngày.
Trước đó, Ukraine cho biết muốn thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày.
Ngày 17-3, Liên Hiệp Quốc cho biết đang "làm mọi thứ có thể" để đảm bảo một thỏa thuận cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen.
Thỏa thuận, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine, được ký vào tháng 7-2022 và gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11-2022 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu một phần do xung đột Ukraine. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 18-3.
Ông Nebenzia cũng đặt thời hạn 2 tháng cho các nước phương Tây và Mỹ để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành nông nghiệp của Nga.
Trước đó, Matxcơva chỉ trích thỏa thuận ngũ cốc chỉ thực hiện việc xuất khẩu của Ukraine mà phớt lờ xuất khẩu của Nga.
Chính quyền Pháp đối mặt với bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Sau khi quyết tâm thúc đẩy cải cách hưu trí, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Ngày 17-3, các chính trị gia đối lập của Pháp đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ để đáp lại việc Thủ tướng Elisabeth Borne kích hoạt điều 49:3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội.
Trên toàn nước Pháp, biểu tình bùng nổ dữ dội sau động thái của chính phủ nhằm nâng tuổi hưu từ 62 lên 64. Hơn 300 người bị bắt giữ, theo Bộ Nội vụ nước này.
Biểu tình, kéo dài từ tháng 1-2023, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, trường học và các dịch vụ công ở Pháp. Tuy nhiên, công đoàn tiếp tục kêu gọi biểu tình vào tuần sau.
* Ông Trump trở lại Facebook, YouTube. "Tôi đã trở lại", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump viết trong bài đăng đầu tiên ngày 17-3 sau khi được mở lại tài khoản mạng xã hội Facebook và YouTube.
Kèm với bài đăng là đoạn video khoảng 12 giây khi ông có bài phát biểu chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 2016 rằng: "Xin lỗi vì để mọi người đợi lâu, chuyện phức tạp".
Ông Trump đã bị nhiều mạng xã hội cấm cửa sau vụ những người ủng hộ ông tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 2021.
* Mỹ treo thưởng 20.000 USD để giải cứu công dân bị bắt cóc ở Mexico. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết những ai cung cấp thông tin có thể giúp giải cứu công dân Mỹ Maria del Carmen Lopez sẽ nhận được món tiền thưởng trên.
Đài CNN dẫn lời văn phòng FBI ở Los Angeles cho biết bà Carmen Lopez, 63 tuổi, bị bắt cóc tại nhà mình ở Mexico cách đây hơn một tháng.
Đầu tháng này, 4 người Mỹ cũng đã bị các thành viên băng đảng ma túy ở Mexico nổ súng bắn và bắt đi ngay sau khi tới Mexico, trong đó 2 người đã thiệt mạng.
Quận Cam hứng bão
Hình ảnh hồ bơi sau một nhà dân nằm cheo leo bên miệng hố sạt lở thuộc thành phố San Clemente, thuộc quận Cam, bang California (Mỹ) cho thấy sức tàn phá của bão quét qua nơi này những ngày qua. (Ảnh: REUTERS)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận