09/04/2020 14:02 GMT+7

Những người lo 'cần câu' cho người nghèo khó

MẠNH DŨNG - TÂM LÊ
MẠNH DŨNG - TÂM LÊ

TTO - 'Nhiều đêm tôi mất ngủ nhưng không phải sợ dịch bệnh, mà lo cho đội ngũ thợ thuyền của mình. Làm sao cho anh em đủ sống? Làm sao cho gia đình họ đỡ khổ? Làm sao để đội ngũ vẫn vẹn toàn sau mùa dịch...'.

Những người lo cần câu cho người nghèo khó - Ảnh 1.

Bà Ngô Thanh Tám đã giảm tiền thuê để người ở trọ bớt khó khăn - Ảnh: T.LÊ

Trĩu giọng tâm sự với chúng tôi mà ông T.Q.V. - chủ một doanh nghiệp ngành giấy ở quận Bình Tân, TP.HCM - như tự sự với chính mình.

Từng là nhân viên ra lập doanh nghiệp nhỏ, ông rất đồng cảm tâm trạng bất an của công nhân lúc này. Ông tâm niệm đây là lúc phải gắng sức lo "cần câu cơm" cho người lao động để họ ổn định được qua mùa dịch dã.

Thậm chí chính tôi tự cắt máy lạnh phòng làm việc của mình và chuyển sang đi làm bằng xe máy để tiết kiệm. Một số anh em nhìn vào đã hiểu tôi hơn.

Ông T.Q.V.

Giấu nỗi lo của mình để lo cho anh em

Từ sau Tết Nguyên đán, công ty bao bì của ông V. nếm mùi khó khăn. Nguyên liệu từ Trung Quốc bị trục trặc, các đơn hàng ở Việt Nam cũng ít dần, công ty của ông từ chạy máy 7 ngày mỗi tuần giảm còn 3 ngày và giờ chỉ còn được 1 ngày.

"Tôi lo lắm nhưng phải giấu vào bụng, không lộ ra mặt. Nếu không anh em càng khủng hoảng hơn nữa", ông V. chia sẻ.

Vừa lắp ráp thêm máy móc thì công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác lao đao. Ông tâm sự tình hình dịch bệnh này không còn nghĩ đến lợi nhuận nữa, mà chỉ cố làm sao đủ lương cho anh em để "vẹn toàn" đội ngũ.

Vừa rồi, vài quản lý cấp trung gửi "tâm thư lo lắng" cho ông. Suốt đêm đó, ông thức để viết lá thư trả lời "nếu tôi còn chén cơm đầy, anh em cũng sẽ có chén cơm đầy". Doanh thu giảm nghiêm trọng, ông V. đề ra một loạt giải pháp để ráng bảo đảm quỹ lương.

Đầu tiên, ông V. xin giãn nợ ngân hàng. "Nghe đơn giản, nhưng chuyện này khó lắm dù mình là khách hàng của họ cả chục năm. Vừa thủ tục rắc rối vừa năn nỉ cá nhân mới xong...", ông tâm sự.

Sau đó, ông V. cắt giảm nhiều khoản để bù đắp quỹ lương đang hết sức căng thẳng. Đến giờ, ông V. vẫn đảm bảo đủ lương, phụ cấp cho đội ngũ và có thể tiếp tục như thế trong 4 tháng nữa.

Đầu tuần có hai người xin nghỉ việc, về quê chăm người thân bị bệnh, chính ông đã trực tiếp hỏi han hoàn cảnh họ và cho giải quyết đầy đủ chế độ. Thậm chí dù hết sức khó khăn, ông vẫn yêu cầu kế toán tính mức thưởng như năm 2019 để trích trả 3 tháng đầu năm cho họ.

Khoản thưởng vài triệu đồng "không ngờ" làm họ mừng rơi nước mắt.

Nghĩa tình lan tỏa

Tâm sự với chúng tôi, nhiều người cũng có tấm lòng thảo thơm như ông V.. Anh Mạnh Toàn - chủ cơ sở kinh doanh nhỏ máy móc ở huyện Đức Hòa, Long An - kể vừa nhận 5 nhân viên bị thất nghiệp ở công ty khác.

"Họ đều dưới quê lên, lúc khó khăn này mà mất việc thì làm sao nuôi vợ con! Thật lòng, tôi bấm bụng nhận họ mà sợ không biết mình lo được bao lâu nếu dịch bệnh kéo dài", anh Toàn tâm sự.

Làm ở cơ sở không đủ việc, anh chuyển họ sang làm tạm ở nhà vườn của mình, miễn sao có thể trả lương cho anh em...

Sáng chúng tôi ghé, ông Trần Hoàng Hải - chủ thầu xây dựng nhỏ đang làm công trình ở tỉnh lộ 10, quận Bình Tân - cũng đang rất ưu tư.

Mới hôm trước, ông bấm bụng nhận hai đôi vợ chồng đến xin phụ hồ. Ban đầu ông định từ chối, nhưng thấy họ dắt theo mấy đứa con nhếch nhác nên tội nghiệp gật đầu. Người thì bán vé số, người thì làm bảo vệ, rửa chén quán ăn. Dịch bệnh, họ không làm được nữa.

Ông Hải chùng giọng tâm sự: "Chính tôi cũng chưa hợp đồng được công trình nào mới. Xong căn này thì chẳng biết còn việc không. Nhưng nhìn họ khổ quá, thôi mình ráng lo "cần câu cơm" cho họ được bữa nào hay bữa đó"...

Càng khó khăn càng hiểu lòng nhau hơn. Ở Hà Nội, anh Ngô Xuân Đức (quê Thanh Hóa) hồ hởi kể: "Tôi làm ốp lát, khó khăn quá. Cô chủ nhà trọ bảo cứ giữ lại tiền phòng tháng này, tháng sau cô sẽ giảm tiền cả xóm.

Tôi đến ở trọ nhà cô từ năm 2017, lấy vợ sinh con ở đây luôn. Mỗi lần ốm đau, sinh con đẻ cái, tết nhất cô đều hỏi thăm, cho trái cây, mừng tiền. Thiếu cái chăn, cái chiếu cô cũng lấy của nhà cho dùng. Ai cô cũng giúp nên có người trọ nhà cô hơn 10 năm cơ mà...".

Nói rồi Đức bảo tôi liên lạc với chủ trọ của anh là bà Ngô Thanh Tám, nhà ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dãy phòng trọ cấp 4 mà nhiều phòng đã khóa kín vì người trọ về quê lánh dịch.

"Đây là xóm trọ của lao động nghèo, nào là tài xế xe buýt, xe Grab, thợ xây, thợ sơn. Giá mỗi phòng trọ 1,2 - 1,3 triệu đồng và đã không thay đổi từ nhiều năm nay...", bà Tám nói và tâm sự từ đầu dịch mình đã quyết định giảm giá để chia sẻ với người khó khăn.

Biết bà thông gia cũng có dãy nhà trọ, bà Tám tâm sự về điều mình làm. Bà thông gia hỏi bà Tám giảm bao nhiêu và quyết định cũng sẻ chia y như vậy: giảm nửa giá tiền phòng đến khi nào hết dịch thì thôi.

Sẻ chia với chúng tôi, bà Tám nói mình không có điều kiện kiếm "cần câu cơm" cho người trọ, nhưng việc giảm giá phòng của bà cũng là cách giúp bà con khó khăn ổn định nơi ở để yên tâm làm việc kiếm sống qua mùa dịch dã này.

Cán bộ phường nấu cơm, phát gạo cho người nghèo mùa dịch Cán bộ phường nấu cơm, phát gạo cho người nghèo mùa dịch

TTO - Trong khi chờ thực hiện chính sách hỗ trợ của UBND TP.HCM (đã được ban hành nhưng tiền chưa kịp đến tay người dân), UBND phường 12, quận 10, TP.HCM có sáng kiến huy động các nguồn lực góp kinh phí nấu cơm, tặng gạo cho bà con nghèo.

MẠNH DŨNG - TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên