Tọa đàm với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; ThS.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (từ phải sang) - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế".
Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham dự của các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; ông Nguyễn Lân Hiếu; ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; ThS.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
3 năm chiến đấu với dịch COVID-19, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ khó khăn lớn nhất của các y bác sĩ không phải là mệt, vất vả, mà là khi bác sĩ không giữ lại được tính mạng người bệnh.
"Giờ đây khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị COVID-19. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh nhưng không nghỉ ngơi, mà xin xuống Bệnh viện điều trị COVID-19 (Hà Nội) làm việc.
Chúng tôi không sợ COVID-19 mà sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng", bác sĩ Hiếu nói.
Về chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ y bác sĩ, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm: "Chúng ta cần điều chỉnh thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế.
Ngành y đào tạo dài hạn hơn các ngành khác. Ngành y tế chăm lo sức khỏe nhân dân, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Do đó cần có phụ cấp đặc thù như lực lượng vũ trang. Điều này tôi đã kiến nghị từ lâu. Cuộc sống, đời sống của gia đình y bác sĩ phải được đảm bảo để họ an tâm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh".
Theo bác sĩ Hiếu, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay đang gặp khó khăn trong việc duy trì lực lượng y bác sĩ và chi phí mua trang thiết bị phòng chống dịch.
"Hiện các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây vì không còn đủ tiền để mua trang thiết bị. Một bộ đồ bảo hộ lên đến 500.000-600.000 đồng. Hiện các y bác sĩ mặc bảo hộ thông thường và kiểm tra sức khỏe định kỳ để làm sao bảo đảm sự lây nhiễm chéo ít nhất", ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu nói thêm bệnh viện đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch: "Theo như tôi được biết, ở các bệnh viện khác hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản. Tiền chống dịch thì hiện nay cũng sắp thay đổi nên rất khó khăn. Do đó chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian trước mắt để nâng cao được thu nhập, ổn định được đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế".
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ.
"Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời tới những người tham gia phòng chống dịch, có điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch", ông Tuyên khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận