Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 chiều 12-1 - Ảnh: HÀ THANH
Chiều 12-1, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành.
Phát biểu khai mại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong đại dịch COVID-19, nhất là đợt dịch thứ 4, ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5%; 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.
Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Bộ đã chủ động, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, thực hiện nhiều giải pháp, gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn.
"Kết quả, chỉ trong thời gian vài tháng, việc thực hiện nghị quyết 68 và nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao.
Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 742.000 lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Đến nay cả hai nghị quyết này chúng ta đều đạt, vượt mức đề ra" - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị chiều 12-1 - Ảnh: HÀ THANH
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những đổi mới của ngành lao động, đặc biệt đổi mới trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về lương, đổi mới mạnh mẽ về cải cách hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại của ngành như trong lĩnh vực người có công, công tác giảm nghèo, công tác xuất nhập khẩu.
Qua thực tiễn chi trả các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Phó thủ tướng mong muốn trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng; thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả cho một số ít người dùng tiền mặt, còn ngành LĐ-TB&XH thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động này.
“Ngành LĐ-TB&XH có thể đi trước một bước về chuyển đổi số vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân. Chúng ta có thể làm thật nhanh nếu toàn ngành nỗ lực, nhất là ở các địa phương” - Phó thủ tướng nói.
Đồng thời, nhấn mạnh việc phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng, tránh lợi dụng chính sách để tiêu cực.
Hỗ trợ hơn 10,3 triệu lượt người, hộ có hoàn cảnh khó khăn
Từ điểm cầu TP.HCM, ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết năm 2021, TP đã tiên phong tham mưu, đề xuất 3 gói an sinh đặc thù từ nguồn ngân sách TP hỗ trợ cho người lao động, công nhân ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do, hộ lao động khó khăn, người dân gặp khó khăn.
Trong đó, đã hỗ trợ hơn 10,3 triệu lượt người và hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 15 tỉ đồng (đỡ đầu các cháu và phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn).
Về giải pháp trong năm 2022, tích cực tham mưu cho UBND TP thực hiện tốt chính sách an sinh cho các đối tượng diện yếu thế có đời sống khó khăn sau đại dịch COVID-19; hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, người mắc COVID-19 và thân nhân.
Đồng thời, bảo đảm cho các diện yếu thế được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tham mưu đề xuất kịp thời các gói chính sách an sinh đặc thù của TP để hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn, nhất là chi hỗ trợ gói 3 theo nghị quyết 97 HĐND TP hoàn thành trước Tết, cũng như phụng dưỡng và đỡ đầu hỗ trợ cho 383 người cao tuổi neo đơn, 2.100 trẻ em mồ côi cha mẹ do đại dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận