03/04/2020 09:01 GMT+7

Chén cơm cho người nghèo

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Khi Thủ tướng ban hành chỉ thị cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, hầu như mọi người dân đều tự giác chấp hành "ở đâu yên đó". Nhưng khi nỗi lo bệnh dịch lây lan giảm xuống thì nỗi khổ của người nghèo lại tăng lên.

Họ là những người bán vé số, hàng rong, ve chai, sửa xe, thợ hồ, bồi bàn, phụ bếp, là giáo viên mầm non tư thục, là công nhân các nhà máy tạm thời đóng cửa...

Họ là người lao động kiếm sống qua ngày, không có lương cố định, không bảo hiểm thất nghiệp, không bảo hiểm y tế... được gọi là lao động phi chính thức. Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết có đến 18 triệu người thuộc đối tượng này trên toàn quốc. 

Hội đồng Xổ số miền Nam thì cho hay có khoảng 100.000 người bán vé số dạo, từ tỉnh Ninh Thuận trở vào Cà Mau. Chưa kể những người đang kiếm sống bằng đủ thứ nghề lặt vặt không thể thống kê được con số chính thức. Họ là người yếu thế nên chịu tổn thương rất nặng trong cơn đại dịch Covid-19.

Suốt từ đầu mùa dịch bệnh cho đến nay, câu chuyện sức khỏe vẫn được bàn luận nhiều nhất. Điều đó là đương nhiên, vì sức khỏe của quốc gia chính là sức khỏe của người dân, trong đó có sức khỏe của người nghèo. 

Nhưng người nghèo, bao giờ cũng thế, vẫn luôn bấp bênh bên lề xã hội. Sức khỏe của họ chính là chén cơm mỗi ngày. Khi buổi sáng họ không thể ra đường kiếm sống thì chén cơm trưa nay sẽ vơi đi.

Rất mừng là cả cộng đồng đang chung tay lo cho bữa cơm của họ, như một người chủ đại lý vé số ở Vĩnh Long, đại lý nhỏ thôi nhưng vẫn quyết định hỗ trợ mỗi người bán vé số dạo 50.000 đồng/ngày. 

Một bà chủ nhà trọ ở Bình Dương đã miễn hai tháng tiền thuê nhà. Những bao gạo, gói mì, chiếc khẩu trang được đóng gói cẩn thận, đặt bên đường phố Sài Gòn với lời nhắn gửi: "Nếu khó khăn xin lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". 

Không chỉ quán cơm xã hội mà nhiều quán cơm khác giờ cũng vui vẻ gói hộp cơm tặng những khách hàng đang rơi vào cảnh khốn khó. Các công ty xổ số ở miền Tây Nam Bộ, nơi chiếm phần lớn thị phần xổ số của Việt Nam, cũng đã nhanh chóng mở két hỗ trợ cho người bán vé số...

Và giải pháp được chờ đợi nhất, đó là chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng đã được Thủ tướng quyết định đúng vào ngày đầu tiên áp dụng chỉ thị cách ly toàn xã hội, với gói chính sách an sinh xã hội trị giá 61.580 tỉ đồng (2,6 tỉ USD) dành cho sáu nhóm đối tượng là người nghèo, người neo đơn, người mất việc làm do dịch bệnh... 

Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội, các bộ ngành cũng đề xuất giảm giá điện, nước, giãn nộp bảo hiểm hưu trí, tử tuất... Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào hỗ trợ với người lao động giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu.

Dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa. Đó là giải pháp của cộng đồng, không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn được thực thi một cách nhanh chóng. Người nghèo càng yếu sức hơn trong cơn dịch bệnh thì cần phải có chính sách an sinh xã hội, đó là trách nhiệm của chính quyền. 

Trong cơn hoạn nạn, người ta và nhất là người nghèo luôn cần đến trách nhiệm của chính quyền và tình thương của cộng đồng. Thứ họ sợ nhất là sự kỳ thị, ghẻ lạnh, và vô cảm. Vì vậy, lúc này cũng cần nhắc lại lời của người xưa, rằng chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu!

Suất cơm 0 đồng cho người nghèo ngày cách ly Suất cơm 0 đồng cho người nghèo ngày cách ly

TTO - Sài Gòn nắng đổ lửa. Các tình nguyện viên mang những phần cơm miễn phí trao tận tay mảnh đời khó khăn.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên