Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
* Trung Quốc và Nga đổ lỗi cho Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 2-6, Trung Quốc và Nga đã phớt lờ lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc đoàn kết lên án Triều Tiên phóng vệ tinh trong tuần này, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ gia tăng căng thẳng trên khu vực bán đảo.
Ông Robert Wood - nhà ngoại giao thuộc phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự vào sáng sớm 31-5 đã vi phạm nhiều nghị quyết của Liên Hiệp Quốc vì sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Sau vụ phóng, bà Kim Yo Jong - em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cho biết Bình Nhưỡng sẽ sớm đưa một vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo, đồng thời tăng cường khả năng giám sát quân sự.
Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), cho rằng Triều Tiên có "những lo ngại về an ninh chính đáng" và Hội đồng Bảo an nên thúc đẩy việc giảm căng thẳng.
Ông Cảnh Sảng và đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, bà Anna Evstigneeva, đã chỉ trích Mỹ làm gia tăng căng thẳng bằng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Sau khi ông Cảnh Sảng phát biểu, đại diện Mỹ Robert Wood lên phát biểu và nói rõ "đại diện của phái đoàn Trung Quốc không hề lên án vụ phóng của Triều Tiên".
Trong khi đó, bà Kim Yo Jong gọi những lời chỉ trích về vụ phóng là "tự mâu thuẫn" vì Mỹ và các nước khác đã phóng "hàng ngàn vệ tinh".
Cái bắt tay tại Đối thoại Shangri-La
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc bắt tay và trao đổi nhanh tại Đối thoại Shangri-La. Ngày 2-6, trong khuôn khổ Đối thoại an ninh Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã bắt tay và trao đổi nhanh trong bữa tối.
Trước đó, phía Mỹ muốn tổ chức cuộc gặp giữa hai quan chức quốc phòng tại Shangri-La nhưng Bắc Kinh đã từ chối.
Với hơn 600 đại biểu đến từ 49 nước, các nhà phân tích đánh giá Đối thoại Shangri-La 2023 là cơ hội tốt để các quan chức quốc phòng, an ninh, nhà thầu quốc phòng gặp gỡ, trao đổi.
Nói về lý do, phía Trung Quốc đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ. "Một mặt, Mỹ luôn nói rằng họ muốn tăng cường liên lạc, nhưng mặt khác họ phớt lờ những lo ngại của Trung Quốc và tạo ra những trở ngại, làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau giữa quân đội hai nước", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu lập luận.
* Vùng Belgorod của Nga bị không kích, 4 người thiệt mạng. Trong ngày 2-6, có hai vụ không kích riêng biệt vào các thị trấn ở vùng Belgorod, khiến bốn người thiệt mạng.
Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov viết trên Telegam rằng vụ không kích diễn ra ở thị trấn Maslova Pristan, cách khu vực phía bắc Kharkov của Ukraine khoảng 15km. Vụ thứ hai diễn ra ở thị trấn Sobolevka, cách vụ đầu tiên 125km về phía Đông Nam.
Sobolevka cách biên giới Ukraine 14km. Các quan chức Nga trong những ngày gần đây đã ghi nhận các cuộc tấn công từ phía Bắc Ukraine.
Phía Nga cũng tố các lực lượng Ukraine đã nhiều lần nã pháo vào thị trấn Shebekino trong tuần qua. Hơn 2.500 người đã được sơ tán khỏi khu vực này vì ở đây không còn an toàn.
* Ít nhất 207 người thiệt mạng và 900 người bị thương khi hai đoàn tàu chở khách va chạm ở Odisha, Ấn Độ, ngày 2-6. Theo Hãng tin Reuters, đoàn tàu tốc hành Coromandel Express chạy từ Kolkata đến Chennai bị trật bánh và rơi xuống đường ray của chiếc tàu đang chạy ngược lại.
Sở cứu hỏa ở Odisha cho biết hơn 207 thi thể đã được tìm thấy cho tới nay và số người chết có thể tăng lên khi các đội cứu hỏa tiếp tục tìm kiếm.
Hơn 200 xe cứu thương được huy động để đưa khoảng 900 người đến bệnh viện địa phương.
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy lực lượng cứu hộ trèo lên một trong những đoàn tàu bị lật để tìm những người sống sót.
Một nhân chứng nói với Hãng tin Reuters qua điện thoại: "Tôi có mặt tại hiện trường và tôi có thể nhìn thấy máu, tay chân bị gãy và những người chết xung quanh tôi".
Trong khi đó, hàng trăm thanh niên xếp hàng bên ngoài một bệnh viện công ở Odisha để hiến máu.
* Lực lượng quốc tế đến hỗ trợ dập cháy rừng lan rộng ở tỉnh Quebec, Canada. Ông Steeve Beaupre, thị trưởng thành phố Sept Iles, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố bắt buộc sơ tán khi các đám cháy rừng gần đó lan ra rất nhanh trong đêm đầu ngày 2-6.
Người dân được yêu cầu rời khỏi nhà từ sáng cho tới trước 16h (giờ địa phương).
Ông Stephane Lauzon, một thành viên của Quốc hội từ Quebec, nói trong một cuộc họp báo ở Ottawa rằng có tới 10.000 cư dân hoặc 1/3 dân số của Sept Iles sẽ phải di dời.
"Tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở Quebec", ông Lauzon nói, đồng thời cho biết thêm rằng có khoảng 100 đám cháy trong tỉnh, trong đó có khoảng 20 đám cháy ngoài tầm kiểm soát.
Trên khắp Canada, có hơn 210 đám cháy đang hoành hành, thiêu rụi 2,7ha. Tổng cộng có hơn 29.000 người đã được sơ tán trước khi có lệnh bắt buộc di dời ngày 2-6.
Gần 1.000 lính cứu hỏa từ Úc, New Zealand, Nam Phi và Mỹ đã đến hoặc đang trên đường đến Canada để tăng cường chữa cháy. Ottawa đã bắt đầu triển khai quân đội ở Nova Scotia để giúp đỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận