Theo Hãng tin Reuters, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên sử dụng động cơ của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cho tên lửa đẩy Chollima-1 phóng hôm 31-5.
Ông Ankit Panda - nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế - phân tích dựa trên các hình ảnh được cả Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cung cấp: "Thiết bị phóng mà chúng ta nhìn thấy có nguồn gốc thiết kế khác hẳn dòng Unha được sử dụng trong các lần phóng trước. Có vẻ như thiết bị này sử dụng loại động cơ đã được lắp trên một mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa trước đây của Triều Tiên".
Ông Joseph Demsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cũng kết luận tên lửa đẩy Chollima-1 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng giống loại trên tên lửa ICBM Hwasong-15 của Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng loại động cơ này được phát triển từ dòng động cơ RD-250 của Liên Xô (cũ). Trong khi đó, dòng tên lửa đẩy Unha trước đó sử dụng động cơ lấy từ tên lửa Scud.
Bên cạnh đó, dự án theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North của Viện nghiên cứu Stimson Center cũng phân tích: "Khói thải từ Chollima-1 có vẻ không màu, cho thấy nó sử dụng nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, tên lửa đẩy này cũng thải ra chất cặn màu xám nhạt ở xung quanh bệ phóng, gần miệng hố dẫn lửa và khắp bãi bùn xung quanh. Hiện chưa rõ nguồn gốc của chất cặn này".
Qua quan sát, các chuyên gia trên cũng cho rằng Chollima-1 là loại tên lửa đẩy hạng trung chuyên dùng để chở các loại vệ tinh nhỏ bay vào tầng quỹ đạo thấp của Trái đất.
"So với các lần phóng tên lửa đẩy trước của Triều Tiên, tên lửa đẩy lần này có tải trọng tương đối lớn. Tôi ước lượng nó đang chở vệ tinh nặng khoảng 200-300kg", ông Panda phân tích thêm.
Ông cũng cho rằng với việc công bố mục tiêu là phóng được nhiều vệ tinh trên cùng một tên lửa, Bình Nhưỡng có thể sẽ ra mắt mẫu tên lửa đẩy lớn hơn trong tương lai.
Sáng 31-5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo đã phóng tên lửa đẩy Chollima-1 chở vệ tinh do thám Malligyong-1. Sau giai đoạn 1 bay bình thường, tên lửa đẩy này gặp sự cố và rơi xuống vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt như Mỹ, kiên quyết cho rằng Bình Nhưỡng đã sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo để phóng vệ tinh, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cấm các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên vẫn chưa phản hồi về những cáo buộc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận