24/05/2024 06:37 GMT+7

Tin tức thế giới 24-5: Kêu gọi Trung Quốc kiềm chế với Đài Loan; Nga bắt thêm quan chức quốc phòng

Mỹ và Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc kiềm chế với Đài Loan; Nga bắt thêm sĩ quan quân đội tham nhũng; Nga lên án nghị sĩ Mỹ nóng đầu vì Ukraine; Hé lộ động cơ kẻ bắn thủ tướng Slovakia... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 24-5.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức khi thăm một doanh trại của lực lượng phòng vệ Đài Loan ngày 23-5 - Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức khi thăm một doanh trại của lực lượng phòng vệ Đài Loan ngày 23-5 - Ảnh: REUTERS

Cuộc tập trận mang tên "Liên hợp lợi kiếm 2024A" (Joint Sword 2024A) của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan đang châm ngòi cho những lo ngại. Cuộc tập trận sẽ bước sang ngày thứ hai trong hôm nay 24-5, nhưng chưa ai biết liệu có còn Joint Sword 2024B hay 2024C sau đó.

Trung Quốc được kêu gọi kiềm chế với Đài Loan

Ngày 23-5, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này đang "theo dõi chặt chẽ" cuộc tập trận của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan. Động thái được cho là nhằm đáp trả bài phát biểu nhậm chức của nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức.

"Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Bắc Kinh hành động kiềm chế", Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức này nói, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không được lợi dụng lúc giao thời trong chính trường Đài Loan để làm cớ động quân.

Vị này cũng cáo buộc cuộc tập trận của Trung Quốc là "liều lĩnh, dẫn tới nguy cơ leo thang và làm xói mòn các chuẩn mực lâu đời đã duy trì hòa bình và ổn định khu vực trong nhiều thập kỷ".

Một tướng cấp cao của Mỹ trước đó cho biết các cuộc tập trận của Trung Quốc là điều đã được dự báo nhưng vẫn đáng lo ngại.

"Chúng ta biết hành vi đó không có nghĩa là chúng ta không nên lên án nó - và chúng ta cần lên án nó một cách công khai" - trung tướng Stephen Sklenka, phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, kêu gọi.

Cũng trong ngày 23-5, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế các hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực", theo Hãng thông tấn AFP.

Mỹ lo canh cánh trước năng lực sản xuất của Trung Quốc

Trong cuộc họp báo ngày 23-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các quốc gia có nền kinh tế thị trường tạo ra "một bức tường phản đối" Trung Quốc vì các chính sách công nghiệp của nước này.

Trung Quốc, theo bà Yellen, đã đầu tư quá mức vào xe điện, thiết bị ngành năng lượng mặt trời, chất bán dẫn, thép và các ngành công nghiệp chiến lược khác.

Nếu không có những thay đổi trong chính sách, bao gồm cả việc chuyển từ tăng sản xuất sang thúc đẩy nhu cầu nội địa, bà Yellen cảnh báo các nước sẽ phải đối mặt với làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, từ đó đe dọa các nhà sản xuất trong nước.

"Nhưng chúng ta cần sát cánh cùng nhau và gửi một thông điệp thống nhất tới Trung Quốc. Để họ hiểu rằng không chỉ một quốc gia cảm thấy như vậy mà có cả một bức tường phản đối chiến lược mà họ đang theo đuổi", bà Yellen kêu gọi.

Nga bắt đầu thanh lọc quân đội?

Trung tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - Ảnh: AFP

Trung tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - Ảnh: AFP

Một tướng và một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga đã bị bắt ngày 23-5 vì tội tham nhũng và "lạm dụng quyền lực".

Ủy ban điều tra liên bang Nga xác nhận ông Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, bị giam giữ vì nghi ngờ "nhận hối lộ quy mô lớn". Tội danh có mức án tối đa là 15 năm tù.

Đến cuối ngày 23-5, ủy ban này cũng tuyên bố đã bắt giữ ông Vladimir Verteletsky - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ trong một hợp đồng của chính phủ, khiến nhà nước thiệt hại hơn 70 triệu rúp (khoảng 706.000 euro).

Điện Kremlin phủ nhận việc tiến hành thanh trừng các quan chức quân đội hàng đầu, nhấn mạnh chống tham nhũng là cuộc chiến liên tục. Thế nhưng một số blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga đã hoan nghênh việc bắt giữ, cho rằng những người này chịu trách nhiệm về các thất bại của Nga trên chiến trường Ukraine.

Trung Quốc kêu gọi đàm phán để kết thúc xung đột Nga - Ukraine

Ngày 23-5, Trung Quốc và Brazil đã ký một tuyên bố chung kêu gọi một cuộc đàm phán hòa bình với sự tham gia của cả hai nước Nga và Ukraine. Văn bản được ký bởi Celso Amorim, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Trong đó, hai bên nhấn mạnh đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho "cuộc khủng hoảng Ukraine". Hai nước ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế "được tổ chức vào thời điểm thích hợp, được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình".

Brazil và Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ 3 nguyên tắc để giảm leo thang tình hình: không mở rộng chiến trường, không leo thang giao tranh và không có hành động khiêu khích từ bất kỳ bên nào.

Việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học và sinh học, là không được phép và kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nga cáo buộc nghị sĩ Mỹ đổ thêm dầu vào chảo lửa Ukraine

Đạn pháo 155mm tại một nhà máy của Mỹ. Washington đã cung cấp nhiều đạn cỡ này cho các khẩu pháo ở Ukraine - Ảnh: REUTERS

Đạn pháo 155mm tại một nhà máy của Mỹ. Washington đã cung cấp nhiều đạn cỡ này cho các khẩu pháo ở Ukraine - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi biết rằng trong số các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ, có rất nhiều kẻ nóng nảy coi nhiệm vụ của mình là tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh ngày 23-5.

Trước đó, một số dân biểu liên bang Mỹ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Điều này trái ngược với tuyên bố tuần trước của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, rằng nước này không khuyến khích Ukraine tập kích lãnh thổ Nga.

"Đây là một quan điểm hoàn toàn vô trách nhiệm và có thể gây hậu quả nguy hiểm", ông Peskov chỉ trích ý tưởng của các nhà lập pháp Mỹ. Đại diện Điện Kremlin kế đó nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí quốc tế sẽ không làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột, rằng Nga sẽ tiếp tục chiến đấu "cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra".

Nghi phạm bắn thủ tướng Slovakia để phản đối ngừng viện trợ Ukraine

Theo tài liệu của tòa án mà Hãng tin AFP có được ngày 23-5, nghi phạm bắn trọng thương Thủ tướng Slovakia Robert Fico thừa nhận đã làm vậy để phản đối chính sách liên quan Ukraine.

Cụ thể, ông này không đồng tình với quyết định của chính phủ là bãi bỏ văn phòng công tố viên đặc biệt và ngừng gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như cáo buộc chính quyền đàn áp truyền thông.

Nghi phạm 71 tuổi khẳng định không muốn sát hại ông Fico mà chỉ muốn làm thủ tướng Slovakia bị thương và suy giảm sức khỏe nên đã nhắm vào phần thân dưới của nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, nghi phạm đã thừa nhận không nên làm như vậy và cảm thấy hối hận vì quyết định của mình.

Giờ cao điểm ở Đài Loan

Ảnh của AFP

Ảnh của AFP

Những chiếc xe máy nối đuôi nhau sát rạt trên làn đường dành riêng cho xe máy của một cây cầu ở Đài Bắc, Đài Loan trong buổi sáng vào giờ đi làm.

Nhà Trắng đang bàn chuyện cho Ukraine bắn vào lãnh thổ NgaNhà Trắng đang bàn chuyện cho Ukraine bắn vào lãnh thổ Nga

Sau chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Antony Blinken đang thúc giục Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ các hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công sâu vào Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên