Theo Hãng tin Reuters, sáng 23-5, Bộ tư lệnh Chiến khu Miền đông của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố vừa bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn trên eo biển Đài Loan.
Cuộc tập trận mang tên "Liên hợp lợi kiếm - 2024A"
Theo bản đồ các khu vực tập trận được công bố trên trang Facebook của chương trình Eo biển Đài Loan hôm nay thuộc Đài truyền hình Đông Nam (Trung Quốc), cuộc tập trận mang tên "Liên hợp lợi kiếm - 2024A", diễn ra trên vùng biển bao quanh hầu như toàn bộ đảo Đài Loan và các đảo do Đài Bắc kiểm soát.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan. Suốt nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã liên tục chỉ trích ông Lại là "phần tử ly khai" và phản đối việc ông lên nắm quyền.
Chiến khu Miền đông cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của cả hải quân, không quân, lục quân và lực lượng rocket.
Trọng tâm của cuộc tập trận là tuần tra sẵn sàng chiến đấu phối hợp giữa trên biển và trên không, tấn công chính xác vào các mục tiêu chủ chốt và các hoạt động tích hợp trong và ngoài khu vực Đài Loan nhằm kiểm tra "khả năng sẵn sàng hiệp đồng tác chiến thực tế" của toàn quân.
Thông báo của Chiến khu Miền đông cho biết: "Đây còn là đòn trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào các động thái ly khai của lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, cũng như là lời cảnh báo đanh thép đối với những thế lực bên ngoài có ý định can thiệp hoặc khiêu khích".
Sáng 23-5, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định bằng cách tuyên truyền lý thuyết về "hai quốc gia", ông Lại đã đi xa hơn cả những người tiền nhiệm như ông Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và bà Thái Anh Văn trong việc đòi Đài Loan độc lập.
Đài trung ương Trung Quốc nhấn mạnh tương lai của hòn đảo này phải được quyết định bởi toàn thể 1,4 tỉ công dân Trung Quốc, bao gồm người Đài Loan, chứ không chỉ bởi 23 triệu người sống trên hòn đảo này.
Phía CCTV cũng tiết lộ con số máy bay chiến đấu tham gia cuộc diễn tập "Thanh gươm thống nhất" lên đến hàng chục chiếc, trong đó có nhiều chiếc được lắp tên lửa gắn đầu đạn thật.
Các bài diễn tập tấn công nắm vào các mục tiêu quân sự, tàu chiến và máy bay chiến đấu có giá trị cao của "kẻ thù", tức Đài Bắc.
Đài Loan nâng cấp độ phản ứng lên "khẩn cấp"
Ngay sau thông báo của quân đội Trung Quốc, cơ quan phòng vệ Đài Loan đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận. Đài Bắc cho biết đã điều động lực lượng đến các khu vực xung quanh hòn đảo và tự tin rằng sẽ có thể bảo vệ các khu vực do mình kiểm soát.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan nhấn mạnh: "Việc triển khai tập trận quân sự nhân dịp này không chỉ không đóng góp cho hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, mà còn thể hiện rõ tâm lý hiếu chiến của Trung Quốc".
Một quan chức cấp cao Đài Loan chia sẻ Đài Bắc đã lường trước viễn cảnh diễn ra cuộc tập trận. Người này khẳng định chính quyền Đài Bắc "nắm rõ" những động thái quân sự của Trung Quốc.
“Hai nguồn tin an ninh Đài Bắc khẳng định phạm vi tập trận của quân đội Trung Quốc vẫn nằm ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải của đảo Đài Loan (24 hải lý tính từ bờ biển của đảo này).
Trong một tuyên bố riêng biệt, cơ quan phòng vệ Đài Loan khẳng định các lực lượng không quân về tên lửa mặt đất đang thu thập thông tin về các mục tiêu.
Lực lượng Đài Loan cũng đã nâng cấp độ phản ứng lên cấp tình trạng "khẩn cấp".
Trưa 23-5, người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan Karen Kuo tuyên bố: "Việc Trung Quốc có hành vi quân sự đơn phương khiêu khích là rất đáng tiếc.
Động thái trên đe dọa đến nền dân chủ và tự do của Đài Loan, cũng như hòa bình và ổn định khu vực.
Đối mặt với thách thức và đe dọa từ bên ngoài, chúng tôi vẫn sẽ bảo vệ nền dân chủ".
Tướng Mỹ: Trung Quốc đang duy trì sức ép lên Đài Loan
Ngay sau khi cuộc diễn tập trên bắt đầu, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ Trung tướng Stephen Sklenka khẳng định quân đội Trung Quốc đã diễn tập các kịch bản quan trọng cho việc "đánh chiếm đảo Đài Loan" hồi năm 2023.
Cụ thể, phía PLA đã diễn tập việc phong tỏa hàng hải và đường không đối với đảo Đài Loan, các kịch bản đổ bộ cũng như phương án chống sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông Sklenka cho rằng các cuộc tập trận trên là một phần chiến dịch duy trì sức ép lên Đài Loan, vốn đã được Bắc Kinh duy trì từ năm 2022 đến nay.
Trong khoảng thời gian này, việc quân đội Trung Quốc đi qua đường trung tuyến giả định ở eo biển Đài Loan, vốn từng là điều hiếm hoi, đã trở thành "chuyện cơm bữa".
Đường trung tuyến giả định là đường phân cách không chính thức giữa hai bên trên eo biển Đài Loan, do Đài Bắc đơn phương lập ra.
Trung tướng quân đội Mỹ đánh giá việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu quân đội nước này sẵn sàng giành lại Đài Loan trong năm 2027 là điều cần được xem xét nghiêm túc.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, viễn cảnh Trung Quốc tấn công Đài Loan ngay lập tức vẫn chưa thật sự hiện hữu.
Sáng 23-5, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định bài phát biểu nhậm chức hôm 20-5 của ông Lại Thanh Đức là "lời thú nhận toàn bộ" về mong muốn Đài Loan độc lập.
Bài phát biểu này đã khiêu khích mạnh mẽ chính sách "Một Trung Quốc", làm xói mòn hòa bình và ổn định.
CCTV cho rằng bằng cách nhắc đến Đài Loan với tư cách một "quốc gia" trong suốt bài phát biểu, ông Lại không thể hiện bất kỳ sự chân thành nào trong việc trao đổi giữa hai bờ eo biển.
Đài này cũng khẳng định cuộc tập trận của Trung Quốc là hoàn toàn "chính đáng, hợp pháp và cần thiết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận