20/05/2024 09:12 GMT+7

Thách thức cũ cho nhà lãnh đạo mới của Đài Loan

Hôm nay 20-5, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) chính thức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan. Trung Quốc đại lục nói ông Lại phải đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa phát triển hòa bình hoặc đối đầu.

Ông Lại Thanh Đức cùng lãnh đạo một số đồng minh ngoại giao của Đài Loan đi câu tôm ở Đài Bắc hôm 19-5 - Ảnh: AFP

Ông Lại Thanh Đức cùng lãnh đạo một số đồng minh ngoại giao của Đài Loan đi câu tôm ở Đài Bắc hôm 19-5 - Ảnh: AFP

Một ngày trước khi chuẩn bị đối mặt với bốn năm nhiều thách thức phía trước và sức ép gia tăng từ đại lục, ông Lại chọn cách đi thư giãn.

Thư thả đi câu tôm

Hôm chủ nhật (19-5), ông Lại Thanh Đức đã đưa các nhà lãnh đạo từ một số đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan đi câu tôm để giải trí. "Đài Loan không đơn độc. Chúng tôi đang làm việc với những người bạn quốc tế như các ông, những người cũng bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do và quyền con người", ông Lại chia sẻ.

Ông Lại Thanh Đức (64 tuổi) từng là nhà lập pháp, thị trưởng Đài Nam và là phó lãnh đạo Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo Thái Anh Văn.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao sắp nhậm chức của Đài Loan tiết lộ rằng trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20-5, ông Lại sẽ đưa ra cam kết đảm bảo ổn định bằng cách duy trì hiện trạng quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Trong buổi câu tôm ở Đài Bắc, ông Lại cũng đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên để xây dựng một Đài Loan thịnh vượng và duy trì hiện trạng trên khắp eo biển Đài Loan".

Kế nhiệm bà Thái Anh Văn, ông Lại sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên Đài Loan. Coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đến nay không loại trừ biện pháp vũ lực để thống nhất.

Các nguồn tin cho biết trong những ngày trước lễ nhậm chức của ông Lại vào 20-5, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự hằng ngày, gồm cả việc tiến hành cuộc tấn công giả định nhằm vào các tàu nước ngoài gần Đài Loan.

Hồi năm 2017, ông Lại từng mô tả mình là "người làm việc thực dụng vì độc lập của Đài Loan", khiến Bắc Kinh chỉ trích. Kể từ đó, ông có lập trường mềm mỏng hơn và hiện ủng hộ việc duy trì hiện trạng giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng như khả năng đàm phán với Bắc Kinh.

Vị quan chức giấu tên trên tiết lộ: "Chúng tôi sẽ nói về cách tiếp cận ổn định của mình, tiếp tục các nguyên tắc cơ bản mà bà Thái đã vạch ra. Chúng tôi sẽ đảm bảo Đài Loan đóng vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu, đồng thời duy trì hiện trạng và hợp tác với tất cả các bên để đảm bảo hiện trạng sẽ không bị xói mòn".

Tuy nhiên, quan chức này đánh giá chính quyền mới sẽ đối mặt với một thực tế "khó khăn và phức tạp hơn" tại Đài Loan và bên ngoài bởi vì Trung Quốc đã tổ chức các hoạt động quân sự "khiêu khích hơn" khiến Đài Loan lo lắng và phát động các chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm chia rẽ dư luận tại Đài Loan.

Theo Tân Hoa xã, hôm 15-5 Văn phòng sự vụ Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc tuyên bố lãnh đạo mới của vùng lãnh thổ Đài Loan phải đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa phát triển hòa bình hoặc đối đầu giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Trước cuộc bầu cử ở Đài Loan hồi tháng 1, Bắc Kinh gọi ông Lại là "kẻ ly khai nguy hiểm" và bác bỏ những lời kêu gọi đàm phán liên tục của ông.

"Thái Anh Văn 2.0"

Hồi tháng 1 năm nay, một đoạn video phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Lại lúc đó đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Video cho thấy bà Thái lái một chiếc ô tô, ngồi bên cạnh là ông Lại, trò chuyện về những năm tháng lãnh đạo Đài Loan.

Sau đó, bà Thái xuống xe, giao lại tay lái cho ông Lại. Đi tiếp hành trình cùng ông Lại trên con đường là bà Tiêu Mỹ Cầm (Bi-khim Hsiao) - người sẽ trở thành phó lãnh đạo Đài Loan.

Thông điệp từ đoạn video rất rõ ràng: Ông Lại Thanh Đức sẽ lèo lái hòn đảo hơn 23 triệu dân theo phương hướng được đặt ra bởi bà Thái Anh Văn - người đã lãnh đạo Đài Loan 8 năm qua.

Phó giáo sư Lev Nachman tại Đại học Chính trị ở Đài Loan nhận định: "Ông Lại đã dành hơn hai năm qua để cố gắng thuyết phục thế giới rằng ông ấy chính là Thái Anh Văn 2.0".

Di sản của bà Thái Anh Văn (67 tuổi) gắn liền với việc bảo vệ Đài Loan trước sức ép từ Trung Quốc, đồng thời làm cho hòn đảo này trở thành đối tác đáng tin cậy với Mỹ và các nền dân chủ khác.

Khoảng thời gian bà lãnh đạo Đài Loan cũng gắn với những quyết định quan trọng như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, lèo lái Đài Loan vượt qua đại dịch COVID-19 và khởi động quá trình hiện đại hóa quân đội của Đài Loan.

Việc ông Lại tiếp tục di sản của bà Thái đồng nghĩa sẽ tiếp tục tìm cách đạt được sự cân bằng giữa việc xây dựng liên minh không chính thức Mỹ - Đài và duy trì hòa bình với Trung Quốc, theo Hãng tin AP.

Đối với chính sách bên trong Đài Loan, ông Lại được cho là sẽ xây dựng dựa trên nền tảng các cải cách của bà Thái.

Tuy nhiên, ông Lại sẽ đối mặt với thách thức to lớn do Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) của ông Lại đã mất thế đa số tại cơ quan lập pháp trong cuộc bầu cử hồi tháng 1, khiến ông Lại gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các đề xuất gồm cả việc phê duyệt chi tiêu quân sự.

Một quan chức tiết lộ ông Lại sẽ cam kết hiện đại hóa hơn nữa hệ thống phòng thủ của Đài Loan và tiếp tục các chương trình sản xuất máy bay và tàu quân sự của hòn đảo này. Vị này nói: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo xung đột sẽ không bao giờ xảy ra".

508

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết tổng cộng 51 nhóm, bao gồm 508 quan chức và đại diện từ bên ngoài, sẽ tham dự lễ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan của ông Lại Thanh Đức và các hoạt động liên quan vào ngày 20-5. Họ đến từ Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Di sản chính trị của bà Thái Anh VănDi sản chính trị của bà Thái Anh Văn

Ngày 20-5, ông Lại Thanh Đức sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nhà lãnh đạo mới của vùng lãnh thổ Đài Loan thay cho người tiền nhiệm Thái Anh Văn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên