Sáng nay, Quốc hội chốt phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, bế mạc kỳ họp thứ 7
Theo chương trình, sáng nay (29-6), kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên bế mạc.
Trước khi vào phiên bế mạc, Quốc hội sẽ thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đáng chú ý, nội dung liên quan 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy ý kiến đại biểu về 2 phương án của nội dung này.
Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nữa.
Phương án 2: Sau 12 tháng người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được rút 1 lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Cùng với biểu quyết thông qua luật, Quốc hội sẽ "chốt" phương án cụ thể về nội dung này.
Bên cạnh đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Tại phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp, trong đó giảm thuế giá trị gia tăng, thực hiện cải cách tiền lương; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn và một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023…
Các chính sách bảo hiểm y tế mới từ ngày 1-7
Tin tức từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ ngày 1-7, thẻ bảo hiểm y tế sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước và có giá trị tương đương thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế các nhóm hộ gia đình, học sinh, sinh viên đều được tính dựa trên % của lương cơ sở. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tức tăng 30% từ ngày 1-7.
Dự kiến mức đóng bảo hiểm y tế của các nhóm này sẽ có sự thay đổi.
Tương tự, trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một lần khám chữa bệnh có chi phí thấp hơn 15% mức lương cơ sở cũng dự kiến điều chỉnh tăng lên.
Từ ngày 1-7, sẽ có thêm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế đó là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Hết năm 2023, toàn quốc có trên 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% dân số.
Doanh nghiệp đạt gần 40% kế hoạch kinh doanh du lịch hè
Tin tức từ một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn TP.HCM cho biết tính đến hết tháng 6-2024, kế hoạch kinh doanh hè ở một số tuyến phổ biến đạt khoảng 40% chỉ tiêu.
Trong đó, du lịch nội địa đang chiếm tỉ lệ hơn 40 - 45% cơ cấu doanh thu. Các tuyến đi biển không quá xa các thành phố lớn như TP.HCM là Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quý, Ninh Thuận, Quy Nhơn hay Hà Nội là Sầm Sơn, Cát Bà, Hạ Long… được lựa chọn.
Đặc điểm du khách hè 2024 là các nhóm gia đình, nhóm đông, vì vậy các chương trình khuyến mãi dành cho khách nhóm đã nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Với du lịch nước ngoài, hiện một số tuyến được khách Việt ưa chuộng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Thái Lan…
Trong đó, các tuyến du lịch mới đến Trung Quốc như Tân Cương, Tây An và các tuyến bằng đường bộ đi Trung Quốc qua các cửa khẩu cũng được du khách đăng ký tăng hơn cùng kỳ gần 20%.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỉ USD trong 6 tháng
Theo tin tức từ số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, vốn thực hiện đạt khoảng 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, cả vốn đăng ký và vốn giải ngân đều tăng trưởng tốt hơn, với mức tăng lần lượt là 0,4 điểm phần trăm và 11,1 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm.
Về vốn đăng ký, cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đều tích cực.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỉ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Về đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỉ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 1,73 tỉ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tập đoàn Hòa Phát bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán vừa ban hành quyết định số 687 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có địa chỉ tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt tiền 112,5 triệu đồng vì hành vi không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Cụ thể, đến thời điểm tháng 5-2024, công ty có 9 thành viên hội đồng quản trị nhưng chỉ có 2 thành viên hội đồng quản trị độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập theo quy định.
Tiền gửi tăng chậm lại, ngân hàng cần 283.000 tỉ đồng trái phiếu
Trong báo cáo về ngành ngân hàng công bố mới đây, Visrating cho biết, 5 năm qua, các ngân hàng Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.
Theo đó, khi tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283.000 tỉ đồng tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỉ lệ an toàn vốn.
Visrating cũng cho biết, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn trong những năm gần đây để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỉ lệ an toàn hoạt động.
Dữ liệu thống kê cho thấy các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn mức 104.000 tỉ đồng năm 2019 và trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% quy mô trái phiếu phát hành.
Các ngân hàng sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho các khoản cho vay dài hạn và đáp ứng các tỉ lệ theo quy định: kiểm soát tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỉ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.
Đặc biệt, một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỉ lệ an toàn vốn.
Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận