Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) vừa công bố báo cáo ngành ngân hàng quý 1-2024.
Báo cáo cho biết dù phải chịu áp lực lớn từ tỉ giá, lãi suất điều hành vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên từ tháng 6-2023 đến nay. Nhưng trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm tăng mạnh trở lại từ tháng 2-2024 đến nay.
Nhiều thời điểm trong tháng 4, lãi suất qua đêm vọt áp trần, ở mức 4,92%.
Giá các tài sản khác tác động lên lãi suất
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, bà Trương Hoàng Diệp Hương - chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - cho biết để giảm bớt áp lực lên tỉ giá, NHNN phát hành tín phiếu trở lại.
Tính đến ngày 5-4-2024, tổng lượng phát hành tín phiếu đạt khoảng 173.000 tỉ đồng, ở mức lãi suất bình quân 1,3 - 2,7%. Mục tiêu của việc phát hành này nhằm rút bớt thanh khoản ngắn hạn tại thị trường 2, đẩy lãi suất liên ngân hàng tiến sát hơn lãi suất USD, giảm nguy cơ đầu cơ tỉ giá.
Việc tăng lãi suất liên ngân hàng kết hợp với việc một số ngân hàng thương mại đảo chiều tăng lãi suất phản ánh dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản.
Theo ghi nhận, lãi suất tại một số ngân hàng thương mại như MSB, VPBank, KienlongBank vừa qua đã tăng trở lại trong đầu tháng 4 với mức tăng từ 0,2 - 0,5%/năm.
"Sự đảo chiều tăng trưởng tín dụng và khó khăn hơn trong huy động khiến ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất", bà Hương nói.
Trong thông báo mới đây từ NHNN, đến cuối tháng 1-2024, tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỉ đồng, giảm 0,53%. Còn tiền gửi các tổ chức đạt 6,676 triệu tỉ đồng, giảm tới 2,41% so với cuối năm 2023.
"Yếu tố tác động mạnh lên lãi suất là giá các tài sản khác", bà Hương nhận định. Trong quý 1-2024, giá vàng, chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh.
Điều này, theo bà Hương, khiến người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư.
"Các ngân hàng bởi vậy thường phải tăng lãi suất tăng sức cạnh tranh, thu hút nguồn vốn từ dân cư", bà Hương nói.
Nhập thêm vàng sẽ tạo thêm áp lực tỉ giá
Báo cáo của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cũng chỉ ra trong quý 1-2024, giá vàng SJC, vàng nhẫn duy trì đà tăng với biên độ chênh lệch giá mua - bán ở mức cao, khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/lượng.
Bà Hương cho biết chênh lệch với giá vàng thế giới dù có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 3.
Mức chênh lệch này được dự đoán có thể co hẹp lại nhưng giá vàng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng "nóng" và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Do vậy việc kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách.
Trong loạt giải pháp "hạ nhiệt" giá vàng, điểm nhấn là việc thực hiện phiên đấu thầu vàng miếng. Nếu lượng cung vàng qua đấu thầu đạt đủ khối lượng sẽ giúp giảm giá vàng trong nước trong dài hạn, từ đó kéo sát chênh lệch giá, như đã diễn ra trong năm 2013.
Tuy nhiên, bà Hương cho biết vấn đề đặt ra cho NHNN là hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỉ giá. Bởi nếu lượng cung thấp sẽ khiến tác động duy trì chỉ ngắn hạn.
Nhưng nếu NHNN buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước sẽ tạo áp lực làm tăng tỉ giá.
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, tỉ giá tự do hay NHTM đều ghi nhận mức tăng mạnh từ đầu năm 2024.
NHNN công bố dự thảo thay đổi cơ sở xác định tỉ giá kỳ hạn giữa USD với tiền đồng trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi theo hướng linh hoạt hơn. Nếu được thông qua, bà Hương cho rằng dự thảo này sẽ giúp xác định tỉ giá kỳ hạn được kịp thời hơn, bám sát các diễn biến nhanh và khó lường của thị trường.
Đồng thời, tỉ giá kỳ hạn được xác định một cách phù hợp giúp doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ ngoại tệ hợp lý, góp phần làm giảm áp lực lên thị trường ngoại hối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận