05/04/2024 18:56 GMT+7

Không nên đánh đổi lãi suất để ‘cứu’ tỉ giá

Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỉ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã phát biểu như trên tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn ra thị trường”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5-4.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phát biểu tại hội thảo Khơi thông dòng vốn ra thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phát biểu tại hội thảo Khơi thông dòng vốn ra thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp yếu, lãi suất giảm cũng khó hấp thụ

Vì sao dẫn đến thực tế vốn tắc hiện nay, ông Phước mở đầu bài phát biểu, khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc họp để tìm giải pháp khơi thông nguồn vốn ra thị trường.

“Việc tắc tín dụng giống như người chạy xe thấy đèn xanh mà không chạy được, phải xem xét ở nhiều góc độ, xem vì sao doanh nghiệp dè dặt, ngần ngại vay vốn", ông Phước nêu vấn đề.

Bởi vì có thực tế là khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm thì doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn rồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, có đến 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thể trạng doanh nghiệp yếu đi, khó khăn là điều có thật. Ba trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, thì tiêu dùng trong quý 1 vừa qua chỉ tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ tăng 10,1%, chứng tỏ cầu tiêu dùng yếu.

Đại biểu tham dự hội thảo Khơi thông dòng vốn ra thị trường ngày 5-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại biểu tham dự hội thảo Khơi thông dòng vốn ra thị trường ngày 5-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy chúng ta phải đối mặt và giải quyết câu chuyện này thế nào?

Thế giới đang phục hồi, thời điểm khó khăn nhất đã qua, xu hướng lạm phát đang đi xuống. Nhiều nghiên cứu cho rằng xu hướng lạm phát sẽ giảm cho đến năm 2028, mở ra triển vọng phục hồi cho nền kinh tế.

Lãi suất giảm khi doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp vì thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm, tiêu dùng giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của người cho vay và người đi vay.

Do vậy về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống. Lãi suất VNĐ đang thấp xuống nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VNĐ mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.

Về tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. Một quý mà để đồng bản tệ mất giá 2-3 % thì Ngân hàng Nhà nước cần phải có tiếng nói. Vì tỉ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

Chúng ta ám ảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhưng Fed chỉ tác động nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam thôi. Quý 3-2024 USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất. Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỉ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của Ngân hàng nhà nước, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

Ngân hàng nên công bố lãi vay kèm tỉ trọng giải ngân

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đem lại thành quả ấn tượng. Không thể khẳng định là lãi suất thấp như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu. Vì lãi suất phụ thuộc vào nhiều biến số.

Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, không thể nói mãi ngân hàng đẩy vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Mặt khác, liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá hay không? Quan điểm là vốn phải đến đúng đối tượng và đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh. Họ huy động vốn để cho vay và ngân hàng cũng đau lòng vì vốn huy động đang nằm lại ngân hàng mà lại phải gánh chịu lãi suất đầu vào. Nhưng cái quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay. Nếu áp lực đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng chất lượng tín dụng mấy năm nữa sẽ như thế nào? Dư nợ xấu có kiểm soát được không?

Do đó, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoặc các ngân hàng thương mại chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường.

Ngân hàng sẽ công bố lãi suất cho vay. Nên chăng theo định kỳ với việc công bố lãi suất cho vay thì ngân hàng công bố luôn tỉ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý.

Về phía doanh nghiệp khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc doanh nghiệp, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Nên trong mọi trường hợp, đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải đảm bảo được chất lượng an toàn hệ thống trong thời gian.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết doanh số giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản trên địa bàn TP.HCM đạt 2.004 tỉ đồng cho 1.317 khách hàng, với lãi suất thấp hơn 1-2% so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay.

Doanh nghiệp vẫn mong vay vốn dễ hơn, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng là khơi thông nguồn vốnDoanh nghiệp vẫn mong vay vốn dễ hơn, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng là khơi thông nguồn vốn

Nhiều doanh nghiệp cho biết bên cạnh không dám vay vốn vì lo không có đơn hàng, còn có vấn đề khó tiếp cận vay vốn dù nhiều chính sách được đưa ra. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng chính là khơi thông nguồn vốn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên