Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung triển khai ba đột phá chiến lược. Trong đó, về thể chế, sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”, Thủ tướng nhấn mạnh để tạo thuận lợi hơn nữa trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đi đến thống nhất việc đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và hai bên tiến tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do...
Cùng với việc nghiên cứu tiến tới nâng cấp quan hệ giữa hai nước, đây là những cơ chế quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Ông Mehmet Faith Kacir, bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Đặc biệt nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có dự án lớn ở châu Âu, xây dựng cơ sở hạ tầng; có hơn 1.600 trung tâm nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp dịch vụ mới với tỉ lệ nội địa hóa đạt 80%. Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng dự kiến năm nay là 6 tỉ USD so với 200 triệu USD cách đây 20 năm và các hàng công nghiệp khác là 10 tỉ USD.
“Chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy hợp tác này với Việt Nam và tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.
Ngoài ra chúng tôi có thế mạnh số hóa, nên mong muốn Chính phủ hai nước tạo thuận lợi thương mại và đầu tư về thủ tục visa, thúc đẩy thương mại điện tử” - bộ trưởng cho hay.
Đồng tình với việc thúc đẩy hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ưu tiên cho sản xuất chip bán dẫn, công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ… Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực mới của nền kinh tế.
Theo đó, Việt Nam tạo điều kiện hết sức cho các tập đoàn lớn, công nghệ cao, có kinh nghiệm quản lý, đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam.
Thủ tướng dẫn chứng vừa qua các bạn Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia trúng thầu và thực hiện gói thầu công trình lớn nhất của Việt Nam là sân bay Long Thành.
Ngoài ra, Việt Nam cũng ưu tiên cho nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, tham gia tái cơ cấu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với việc Quốc hội vừa thông qua chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ có các chính sách trong ưu đãi cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe nhà đầu tư nếu có vướng mắc, sẵn sàng xử lý kiến nghị để nhà đầu tư yên tâm và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận