13/06/2024 19:07 GMT+7

Cho rút 50%, để 50% hưởng lương hưu: Bảo hiểm xã hội sẽ không đạt mục tiêu

Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM chọn phương án 1, cho phép người tham gia cũ vẫn được rút theo quy định hiện hành. Với người tham gia mới, luật sửa đổi có hiệu lực sẽ không được rút một lần sau một năm nghỉ việc.

Người lao động tại TP.HCM làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: NGÂN HÀ

Người lao động tại TP.HCM làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: NGÂN HÀ

Chiều 13-6, Bảo hiểm xã hội TP.HCM thông tin tình hình 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó có đề cập đến quan điểm của bảo hiểm xã hội về lựa chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra lấy ý kiến.

Thảo luận tiếp 2 phương án rút bảo hiểm xã hội

Hai phương án theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi như sau:

Phương án 1: người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có thể yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Người lao động tham gia mới bảo hiểm xã hội trong tương lai, kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2025) sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu sẽ được giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nghiêng về chọn phương án 1

Ông Trần Dũng Hà - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết ngay từ đầu, đơn vị tham gia góp ý, xây dựng luật và nghiêng về chọn phương án 1.

"Đích đến của việc tham gia bảo hiểm xã hội là chế độ hưu trí, để người lao động về già có lương hưu. Chỉ những trường hợp cá biệt mà quá trình tham gia bị đứt quãng sẽ được rút một lần, còn lại đều hướng tới hưởng chế độ hưu trí", ông Hà nêu quan điểm.

Nếu chọn phương án 2, nghĩa là vẫn duy trì quy định rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay, người lao động được rút khoản đóng sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chỉ được rút 50% khoản đóng sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào.

Thực tế cho thấy, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vì họ đi làm không có tích lũy. Khi không có việc làm, đây là nguồn tài chính hợp pháp cuối cùng mà họ có để giải quyết khó khăn nào đó.

Nhưng nếu chỉ cho rút 50%, bảo lưu 50% để hưởng chế độ hưu trí, thực sự số tiền rút được cũng không đủ giải quyết khó khăn kinh tế. Số tiền để lại hưởng lương hưu thì lương hưu cũng thấp, không đủ duy trì cuộc sống khi về hưu.

"Như thế cả hai mục tiêu đều không đạt. Nhưng nếu theo phương án 1, sẽ cần phải có thêm chính sách hỗ trợ người lao động, cho họ vay vốn ưu đãi để giải quyết khó khăn", ông Hà khuyến nghị.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, tính đến 31-5, đơn vị này đang quản lý, chi trả cho khoảng 257.100 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, và khoảng 415.000 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Bên cạnh đó, hơn 48.500 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp (giảm 14,3% so với cùng kỳ) và hơn 40.700 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (giảm 12,2% so với cùng kỳ).

Doanh nghiệp bó tay trước làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lầnDoanh nghiệp bó tay trước làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần

"Về già nhận chút lương hưu cũng là sự bảo đảm cuộc sống đáng kể. Nhưng tỉ lệ người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm đang xin nghỉ việc để nhận bảo hiểm xã hội một lần ở công ty rất lớn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên