04/06/2024 15:39 GMT+7

Đề xuất hoán đổi số năm đóng dư bảo hiểm xã hội để về hưu sớm

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu phương án cho phép người lao động hoán đổi số năm đóng dư bảo hiểm xã hội nếu về hưu trước tuổi.

Người lao động làm thủ tục về bảo hiểm xã hội tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Người lao động làm thủ tục về bảo hiểm xã hội tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Từ ý kiến của các cấp công đoàn, người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Đề nghị không trừ % tỉ lệ hưởng lương hưu

Tổ chức công đoàn nêu băn khoăn về quy định cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, người tham gia bị giảm tỉ lệ 2%.

Bởi các chính sách được xây dựng theo hướng hấp dẫn, giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Từ năm 2018 đến nay, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm.

Trường hợp người lao động nghỉ hưu song chưa đủ tuổi đời theo quy định thì bị giảm trừ tỉ lệ % do nghỉ trước tuổi (trừ 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi).

Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động trong điều kiện bình thường tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ.

Để tránh tăng sốc, từ năm 2021 mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, 4 tháng làm việc với nữ tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị không trừ % hoặc trừ đối đa 1% mỗi năm nghỉ trước tuổi với lao động nam đã đóng 35 năm bảo hiểm xã hội, còn lao động nữ là 30 năm. Hoặc, có phương án cho phép người lao động hoán đổi số năm đã đóng dư bảo hiểm xã hội khi về hưu trước tuổi.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là phù hợp

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phù hợp.

Việc này cụ thể hóa nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội cho người tham gia muộn, không đóng liên tục, thời gian đóng ngắn, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, tổ chức công đoàn lo ngại sẽ có nhiều người hưởng lương hưu rất thấp, ví dụ lao động nam chỉ hưởng lương hưu ở mức 33,75%.

Cạnh đó, dự luật bỏ quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất (tức lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng/tháng). 

Điều này có thể dẫn tới xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất như Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hoặc có phương án lương hưu có tính chia sẻ để người có lương hưu quá thấp đảm bảo cuộc sống.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn còn có nhiều đề xuất như tên gọi của điều luật hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tăng tuổi con bị ốm đau thì cha mẹ được hưởng chế độ khi nghỉ việc để chăm sóc, tăng số lần khám thai...

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết tháng 5-2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,4 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, số đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16 triệu người, còn lại là tự nguyện. Tháng 5-2024, ngành giải quyết hơn 126.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Làm sao để tài xế xe công nghệ được đóng bảo hiểm xã hội?Làm sao để tài xế xe công nghệ được đóng bảo hiểm xã hội?

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có quy định thêm nhóm người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có tài xế xe công nghệ, shipper.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên