27/05/2024 11:37 GMT+7

Vẫn tranh luận rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất lùi thời gian thông qua luật

Đại biểu cho rằng các phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đưa ra chưa tối ưu, phải đánh giá kỹ tác động. Thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên lùi sang kỳ sau.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Trần Khánh Thu - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 27-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự luật này dự kiến thông qua tại kỳ họp này (ngày 25-6).

Chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho hay hai phương án điều kiện hưởng bảo hiểm một lần đưa ra trong dự luật chưa phải là những phương án tối ưu.

Các phương án chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cũng như tạo được sự đồng thuận cao.

Theo bà Thu, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tháng 4-2024, đã có hơn 121.000 người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cao nhất từ trước đến nay.

Dự báo nếu đà tăng này tiếp tục, năm 2024 ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ở giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Riêng năm 2022, có gần 900.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Điều này có nghĩa là hàng triệu người lao động bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già. Vì vậy, đại biểu nghiêng về chọn phương án 1.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Ảnh: QUOCHOI.VN

Bà Thu cho rằng phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

"Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội", bà Thu nói.

Tuy nhiên, ý kiến sau đó, một số đại biểu lại ưu tiên chọn phương án 2. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng cần bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn.

Đặc biệt là ý kiến người lao động về vấn đề này trong bối cảnh doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Hình thành quỹ cho người lao động mất việc vay

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cho hay bà không chọn phương án 2 vì nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của bảo hiểm, chứ không phải bằng cách giữ lại 50% số tiền ít ỏi của họ.

Bà cũng băn khoăn với phương án 1, vì những người đóng bảo hiểm xã hội sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

"Trong khi chưa có những chính sách chăm lo hữu hiệu, người lao động vẫn mong muốn rút bảo hiểm một lần để lo cho những bức thiết cuộc sống trước mắt. Khi bản thân và người thân ốm đau, họ phải nhắm mắt vay tín dụng đen thì việc không cho họ quyền lựa chọn cần cân nhắc", bà Hạnh nêu.

Bà đề nghị: "Nếu chưa có phương án tối ưu thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh gây xáo trộn xã hội, cho người lao động được lựa chọn, kể cả tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau ngày luật này có hiệu lực".

Đại biểu Trần Kim Yến - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Trần Kim Yến - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cho rằng cần nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây "sốc" về chính sách đối với người lao động.

Bà Yến đánh giá lựa chọn phương án 1 sẽ có lợi cho người lao động hơn phương án 2 (nếu chưa có phương án thứ 3 tốt hơn).

Tuy nhiên, bà Yến đề nghị thêm một giải pháp tốt hơn: "Có một nguồn quỹ cho người lao động vay để giải quyết khó khăn mắc phải, và khi họ trở lại thị trường lao động, đi làm lại, có thu nhập, sẽ trả khoản nợ này giống như chính sách cho sinh viên vay đi học".

Đồng tình đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh kiến nghị quy định giao cho Bảo hiểm xã hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp.

Mức vay tối đa đúng bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút bảo hiểm một lần, sổ bảo hiểm xem như đảm bảo cho khoản vay. Trường hợp người lao động không đồng ý vay, nên cho họ được rút bảo hiểm một lần.

Đề xuất lùi thời gian thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị xem xét thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng với sự chuẩn bị như hiện nay và thay đổi chính sách không có đánh giá đầy đủ tác động, chưa thể thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong kỳ 7.

Bà đề nghị kỳ này chỉ nên tiếp tục thảo luận và thông qua tại kỳ 8. "Chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tảng chính sách tiền lương, do đó khi cải cách tiền lương chưa triển khai (tháng 7-2024 mới bắt đầu) thì chưa thể thông qua luật này", bà Ry nói.

Theo bà Ry, "không có đánh giá được về sự ổn định, rõ ràng, minh bạch với thang, bảng lương của các nhóm chức danh, vị trí việc làm theo cải cách tiền lương thì không thể tính toán cụ thể, chính xác, ổn định các chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu vội vàng thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, có thể luật mới ban hành đã phải sửa đổi ngay, ảnh hưởng hàng triệu lao động".

Thống nhất phương án về bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hộiThống nhất phương án về bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án Chính phủ trình về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Song đề nghị đại biểu nghiên cứu kỹ, cho ý kiến thẳng thắn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên