26/05/2024 17:38 GMT+7

Đề xuất hỗ trợ hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất giải pháp hỗ trợ hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, giải thể…

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Ngày 26-5, tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu câu chuyện hơn 200.000 người bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn…

Theo Bộ trưởng Dung, ba cơ quan là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp, trao đổi hướng xử lý.

Nhắc tới câu chuyện Quốc hội từng đồng ý khoanh, xóa nợ thuế, ông Dung đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép xóa số nợ bảo hiểm xã hội trên bằng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ khác.

Trước đó, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Chính phủ giao tổ chức công đoàn phối hợp các cơ quan khác báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội nêu trên.

Hiện tại, trường hợp nợ mới phát sinh được ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính quyền lợi. 

Sau này, nếu doanh nghiệp đóng bổ sung tiền nợ bảo hiểm xã hội sẽ được tiếp tục ghi nhận, đảm bảo chế độ.

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn khá lớn, trên 13.000 tỉ đồng (bình quân trong 1-2 năm qua), gồm cả tiền chậm và lãi. 

Chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân, chiếm 60-80%. 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu ra nhiều giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đôn đốc bằng văn bản khi chủ sử dụng lao động chậm đóng, vi phạm pháp luật về kê khai, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc công khai vi phạm trên cổng thông tin điện tử của ngành. 

Dự luật bổ sung quy định ngoài việc đóng đủ tiền chậm, trốn đóng, trường hợp vi phạm phải nộp lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số chậm, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Ban soạn thảo còn nêu các biện pháp khác như tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp vi phạm,  xử lý vi phạm hành chính, xem xét không trao tặng danh hiệu thi đua/khen thưởng, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 2,69% tổng số phải thu, giảm so với mức 6% năm 2016.

Đề nghị giám đốc Công an Hà Nội ‘xử điểm’ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dàiĐề nghị giám đốc Công an Hà Nội ‘xử điểm’ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội đề nghị giám đốc Công an Hà Nội xử điểm doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên