27/05/2024 17:37 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích về việc rút tiền bảo hiểm xã hội một lần

Chiều 27-5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giải trình về vấn đề rút tiền bảo hiểm xã hội một lần đang được sự quan tâm lớn của đại biểu, người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: QUOCHOI.VN

Chiều 27-5, sau một ngày các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có giải trình nhiều vấn đề còn ý kiến tranh luận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích về việc rút tiền bảo hiểm xã hội một lần - Nguồn: TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI

Trong đó vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc rút tiền bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ trưởng nhận định rút tiền bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất, cần phải xử lý trong dự án luật này.

Về cơ sở chính trị, theo ông Đào Ngọc Dung, đã có nghị quyết 28 của trung ương (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) và vấn đề cũng đã được bàn tại hai kỳ họp Quốc hội.

Mục tiêu lớn nhất của chính sách là làm sao vừa thực hiện được việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước, để khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế.

Nhưng chính sách cũng phải quan tâm đời sống thực tế bây giờ của người lao động, khi nguyện vọng một bộ phận muốn rút bảo hiểm xã hội vì kinh tế khó khăn, và nhiều lý do khác.

"Điều này không có trong luật bảo hiểm xã hội của các nước, đặc biệt các nước phát triển. Chúng ta phải thiết kế vì xuất phát từ nhu cầu người lao động", ông Dung nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay nghị quyết 93 năm 2015 (về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động) ra đời khi Luật Bảo hiểm 2014 chưa có hiệu lực để giải quyết vấn đề tình thế.

Đến bây giờ không thể bỏ được nghị quyết này vì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về chính trị, xã hội. Do đó, luật trình phải tính toán duy trì chính sách để đạt được hai mục tiêu nói trên.

Phương án 1 trong dự luật chia thành 2 nhóm, gồm nhóm 1 đóng trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2 là người lao động tham gia bảo hiểm từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Nói về hai phương án, ông Dung cho biết đã tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo trao đổi, nghiên cứu, bàn giải pháp. Nghiên cứu kỹ, cơ quan soạn thảo cũng không thấy có phương án nào khác.

"Có ý kiến đề xuất tích hợp hai phương án để người đang đóng cho hưởng tiếp như phương án 1, người đóng sau này cho hưởng phương án 2. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia cho rằng nếu cộng hai phương án này vào sẽ toàn nhược điểm hơn ưu điểm.

Chính vì vậy, Chính phủ mới đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lựa chọn một trong hai phương án", ông Dung cho hay.

Ông Dung chia sẻ thêm: "Từ kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2023) đến nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã lấy ý kiến rất rộng rãi của những người bị tác động. Tôi có đọc báo cáo của 5 địa phương có tỉ lệ rút bảo hiểm nhiều nhất, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ. Tuyệt đại ý kiến nói đều chọn phương án 1. Rất ít người chọn phương án 2. Tôi báo cáo đầy đủ để các đại biểu lựa chọn".

"Tôi cũng tán thành ý kiến cần có nhiều giải pháp khác hỗ trợ tín dụng, cho vay không lãi suất.... để hạn chế việc rút tiền bảo hiểm một lần. Dứt khoát chúng ta phải có những chính sách này, nhưng phải đưa vào các luật khác và các nghị định khác", ông Dung nói.

Đồng tình việc tăng các chính sách về ốm đau, thai sản

Bày tỏ đồng tình với nhóm ý kiến cần tăng các chính sách cho ốm đau, thai sản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng ý kiến xác đáng, đúng thực tế, nhu cầu, cần ghi nhận.

Tuy nhiên, theo ông Dung, ngay khi soạn thảo, cơ quan thẩm quyền đã đưa vào nhiều chính sách tân tiến, tốt hơn so với luật 2014.

Chẳng hạn chính sách tăng chế độ ốm đau trong trường hợp nghỉ dưới 1 ngày, quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên, hay người ốm nghỉ 14 ngày trong tháng được tiếp tục hưởng chế độ chính sách...

Các vấn đề đều rất cụ thể, còn tăng thời gian như thế nào sẽ cần phải cân đối hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của các quỹ.

Vẫn tranh luận rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất lùi thời gian thông qua luậtVẫn tranh luận rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất lùi thời gian thông qua luật

Đại biểu cho rằng các phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đưa ra chưa tối ưu, phải đánh giá kỹ tác động. Thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên lùi sang kỳ sau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên