14/06/2024 14:09 GMT+7

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng

Hơn 595.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần trong 6 tháng đầu năm nay, tăng hơn 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp cung cấp thông tin quý 2, năm 2024 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức sáng 14-6, ông Đào Duy Hiện - phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho hay số người lao động hưởng BHXH một lần tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%. Đa số là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm, chiếm khoảng 98%.

Tình trạng hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt người lao động đã giải quyết hưởng BHXH một lần. Số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%.

Theo đánh giá của cơ quan BHXH, người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI, đối tượng lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc…

"Nhóm tuổi chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%. Nguyên do là tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, trong độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng BHXH một lần", ông Hiện nêu rõ.

Ngoài ra, theo ông Hiện, số người rút BHXH một lần tăng còn do một số người lao động e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp, có ít địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương; chính sách cho người lao động thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa tạo sức hấp dẫn.

Không những vậy, từ năm 2022 mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, điều này khiến người lao động khó khăn hơn để tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay BHXH Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều quy định hướng đến gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động, như bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Lương cơ sở tăng từ 1-7, lương hưu có tăng theo?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh, tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết điều chỉnh tiền lương sau khi lương cơ sở tăng từ ngày 1-7 sẽ bám sát vào nghị quyết 27 của Chính phủ và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Việc điều chỉnh tiền lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ đảm bảo công bằng, tăng theo lương cơ sở và trên tinh thần chia sẻ. Nội dung cụ thể về đối tượng và mức điều chỉnh sẽ được quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền.

Ngay khi có văn bản quyết định điều chỉnh tiền lương, đơn vị sẽ triển khai kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người lao động ngay từ ngày 1-7, khi lương cơ sở chính thức áp dụng.

Vẫn tranh luận rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất lùi thời gian thông qua luậtVẫn tranh luận rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất lùi thời gian thông qua luật

Đại biểu cho rằng các phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đưa ra chưa tối ưu, phải đánh giá kỹ tác động. Thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên lùi sang kỳ sau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên