Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hải Đạt, điều phối quốc gia - an sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, trong Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới vào chiều 17-10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Nga, ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết dự thảo luật có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến nữ giới.
"Hiện nay dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện. Theo quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Khoản trợ cấp thai sản này sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đây là vấn đề an sinh xã hội đang được nhiều người lao động quan tâm", bà Nga nói.
Theo ông Nguyễn Hải Đạt, nhiều phụ nữ rút BHXH một lần sau khi nghỉ thai sản, sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó không quay lại hệ thống BHXH. Khoảng 69% phụ nữ rút BHXH một lần là người dưới 35 tuổi.
"Phụ nữ sử dụng tiền an sinh xã hội dài hạn để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, trong đó có nuôi con nhỏ. Hệ thống an sinh xã hội đóng góp nói chung đang thiếu các chế độ ngắn hạn (hỗ trợ nuôi con), hoặc chế độ ngắn hạn chưa đủ theo nhu cầu (thất nghiệp).
Vì vậy, chính sách cần cải thiện các chế độ ngắn hạn để thay thế thu nhập từ rút BHXH một lần (dài hạn), vừa khuyến khích việc ở lại hệ thống, vừa đảm bảo nhu cầu ngắn hạn của người lao động. Có thể cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút BHXH một lần", ông Đạt kiến nghị.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Hoàng Dương, quản lý chương trình Alive & Thrive tại Việt Nam, dẫn chứng nhiều chính sách thai sản cho nữ giới tại một số nước trong khu vực.
Như tại Philippines, lao động nữ chưa tham gia BHXH cũng được hưởng mức trợ cấp một lần là 7 triệu đồng. Nguồn chi từ thuế đồ uống có đường, rượu bia, thuốc lá.
Bà Dương kiến nghị cần mở rộng chế độ thai sản để đảm bảo công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới, duy trì mức sinh thay thế. Cụ thể, tăng mức trợ cấp lên tối thiểu 3,6 triệu đồng/trẻ.
Đồng thời, mở rộng trợ cấp thai sản phổ quát cho mọi lao động nữ bất kể có tham gia BHXH hay không để mọi trẻ sinh ra không rơi vào nghèo đói. Ước tính chi phí chính sách chỉ bằng 13% so với thiệt hại về kinh tế, xã hội do sức khỏe của bà mẹ và trẻ không được đảm bảo.
Sẽ có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
Tại họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023, chiều 17-10, ông Nguyễn Duy Cường, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện ở ba mức 30% đối với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo và 10% đối với các nhóm đối tượng khác.
Qua ghi nhận, ông Cường nêu nhiều người cho rằng chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn vì hiện có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, người lao động phải đóng ít nhất 20 năm hoặc đủ tuổi nghỉ hưu mới được nhận lương hưu, quyền lợi trước mắt chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Do vậy, dự thảo Luật BHXH sửa đổi sắp tới vẫn giữ mức hỗ trợ 2 triệu đồng/con mới sinh với lao động nữ khi sinh con hoặc chồng đang đóng BHXH tự nguyện có vợ sinh con. Mức này phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước, không yêu cầu người lao động đóng thêm. Về lâu dài, Chính phủ có thể điều chỉnh mức này phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận