Sau dịch COVID-19, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc người dân xin rút bảo hiểm xã hội "một cục".
Có cả chuyện không ít người thấy người ta đổ xô đi rút một lần, mình cũng làm theo. Có thể do mất việc tuổi trung niên, cũng có thể do cần tiền trang trải cuộc sống, kể cả trả nợ nhưng có thể chưa thật sự cần thiết vẫn cứ rút tiền vì nghĩ đơn giản trước mắt "tiền mình mình rút".
Xung quanh tôi, nhiều người đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong khi còn hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ đi làm nghề tự do, đi giao hàng (những việc không đóng bảo hiểm xã hội).
Nhận được cục tiền về rồi cứ như gió vào nhà trống, xoay một vòng đã tiêu hết "của để dành" sau mười mấy năm đi làm có tham gia bảo hiểm xã hội. Rất nhiều người lại đôn đáo đi tìm việc mới, những việc có đóng bảo hiểm xã hội để dự phòng tuổi già.
Mất việc hoặc nghỉ việc, thay vì bảo lưu những năm bảo hiểm xã hội để tiếp tục tham gia khi tìm được chỗ làm mới, không ít người đã nghĩ "tới đâu hay tới đó". Nhận trăm triệu đồng nghe có vẻ lớn, nhưng chẳng lâu sau đã không còn gì mấy. Nhiều người nhận ra sai lầm nhưng không phải ai cũng dễ sửa sai khi không dễ tìm việc mới.
Các chuyên gia bảo hiểm xã hội vẫn khuyên người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần, hoặc chọn phương án rút một nửa. Việc này nghĩ xa và nghĩ cho đúng chính vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội khi về già, khi ốm đau mai hậu.
Tôi thường đi xe công nghệ, nhiều lần nghe được mong ước của họ là được đóng bảo hiểm xã hội như một cách tích cóp của để dành. Tất nhiên, họ có quyền tự đóng nhưng mức đóng quá cao cũng khó khăn lắm. Những người thợ xây, bán vé số dạo, thu mua phế liệu dạo... và nhiều công việc khác cũng mong có bảo hiểm xã hội.
Cần có chính sách và quy định khả thi để thu hút lượng người lao động rất lớn này. Luật mới cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm sẽ được hưởng lương hưu.
Đây là cơ hội cho tuổi già của người lao động tự do.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận