Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kim Jong Un gặp nhau ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 6-2019 - Ảnh: REUTERS
Hôm 3-12, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cáo buộc Mỹ tìm cách "câu giờ" thay vì đưa ra những nhượng bộ thật sự. Ông tuyên bố: "Làm gì kế tiếp là lựa chọn của Mỹ và chuyện Mỹ nhận được quà Giáng sinh gì hoàn toàn tùy thuộc nước này lựa chọn".
Trước đó, lãnh đạo Kim Jong Un đã ra hạn chót cuối năm nay để Mỹ cho thấy "sự linh hoạt trong lập trường". Ông Kim bóng gió "sẽ tìm một con đường mới" nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và gây sức ép lên Triều Tiên.
Điều ai cũng muốn biết bây giờ là "con đường mới" của Triều Tiên trông ra sao. Thực sự đến giờ không có thông tin nào từ giới lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng lọt ra ngoài, trừ việc truyền thông nhà nước Triều Tiên cứ lặp đi lặp lại rằng "đừng xem thường hạn chót".
Hãng tin Reuters phỏng vấn một số chuyên gia thế giới và họ đưa ra một số dự báo như sau:
Ông ARTYOM LUKIN, giáo sư Đại học Viễn đông liên bang, Vladivostok, Nga:
Tôi nhớ một cuộc trò chuyện hồi tháng 6 với một quan chức Triều Tiên đến thăm. Người này muốn biết phản ứng của Nga ra sao nếu Triều Tiên không được Mỹ gỡ cấm vận và phản ứng bằng "một hành động mạnh".
Tôi trả lời rằng Matxcơva phản ứng giống Trung Quốc, bây giờ tôi vẫn cho là như thế. Câu hỏi gây tò mò là liệu Bình Nhưỡng có được Bắc Kinh đồng ý để chơi mạnh với Mỹ? Chúng ta không thể biết được.
Tôi đoán Bắc Kinh sẽ không phật lòng nếu ông Kim phóng một quả tên lửa tầm xa. Thử hạt nhân lại là vấn đề khác - tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ vui nếu Triều Tiên tiếp tục cho nổ hạt nhân.
Ông CHRISTOPHER GREEN, giảng viên Đại học Leiden, Hà Lan:
Nhiều khả năng là một bước rẽ sang vũ lực, nhưng nó cũng tùy tình hình diễn biến ra sao từ đây đến cuối năm. Cuộc họp của đảng lãnh đạo ở Triều Tiên cuối tháng này có thể quyết định dồn tài nguyên trở lại cho phát triển quân sự.
Mặt khác, nếu có chuyển động trong đàm phán với Mỹ, họ cũng có thể tìm lý do để lật lại tối hậu thư. Hiện tại - nhưng không còn được lâu nữa - nghị trình cuộc họp vẫn còn thay đổi được.
Bà JENNY TOWN, quản lý biên tập trang web 38 NORTH của Trung tâm Stimson:
Sẽ không ngạc nhiên nếu xuất hiện một thứ gì đó lớn, ví dụ như một quả tên lửa xuyên lục địa ICBM, hoặc một vụ phóng vệ tinh thậm chí trước cuối năm.
Mặt khác, Triều Tiên cũng gặp rủi ro mất đi sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga nếu họ hành động quá khiêu khích, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.
Vậy nên, tùy vào cách họ hiểu lằn ranh đỏ của Bắc Kinh và Matxcơva, họ có thể không dám thử những thứ như vũ khí hạt nhân để bảo toàn các mối quan hệ đó.
Ông Kim Jong Un thời gian gần đây phát đi nhiều tín hiệu về một sự thay đổi trong chính sách của Triều Tiên - Ảnh: REUTERS/KCNA
Ông EVANS REVERE, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với Triều Tiên:
Chúng ta chưa thể loại trừ khả năng một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dù cả hai thứ này đều bị Mỹ và thế giới xem là quá khiêu khích và nguy hiểm.
Tôi đoán Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ "phóng vệ tinh" hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản nhắm vào Bắc Thái Bình Dương.
Ông Kim Jong Un có thể tin rằng Mỹ sẽ không phản ứng gì trong trường hợp này giống như các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây.
Bà RACHEL MINYOUNG LEE, nhà phân tích của trang NK NEWS:
Ông Kim Jong Un có thể công bố một sự thay đổi trong chính sách tại hội nghị sắp tới của đảng Lao động Triều Tiên. Họ có thể thử vũ khí trong những ngày đó thể biểu hiện sự quyết tâm, bắt đầu từ tên lửa tầm trung, vệ tinh... rồi tăng dần trong năm sau.
Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ quay lại chính sách byungjin - vừa phát triển quân sự, vừa phát triển kinh tế - hoặc một thứ gì đó tương tự.
Ông YANG XIYU, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc:
"Con đường mới" này là con đường tự lực, tự phát triển kinh tế mà không lệ thuộc vào nước ngoài. Phần còn lại là tiếp tục phát triển tên lửa. Các vụ phóng liên tục gần đây có thể là lời cảnh báo.
Trước đó, Triều Tiên nói họ sẽ đàm phán để dỡ cấm vận rồi phát triển kinh tế. Nhưng bây giờ không còn hi vọng gì vào khả năng dỡ cấm vận, vậy nên mọi thứ quay lại bằng tự lực.
Ông CHO TAE-YONG, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc:
Có 3 khả năng chính: thử hạt nhân, thử tên lửa và khiêu khích. Thử hạt nhân và tên lửa ICBM mang rủi ro cao vì ông Trump khi đó không còn khoe thành tích "Triều Tiên không thử vũ khí lớn" được nữa. Nó có thể dẫn đến một nghị quyết khác của Liên Hiệp Quốc hoặc bị Trung Quốc phản ứng.
Họ có thể tiến hành khiêu khích quân sự Hàn Quốc ở vùng biển tây, nhưng cách này không tác dụng với ông Trump. Vậy thì Triều Tiên nhiều khả năng sẽ thử tên lửa, có thể là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa ngụy trang như một vụ phóng vệ tinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận