30/05/2024 09:47 GMT+7

Những người chuyên 'hồi sinh' động vật để trả về môi trường tự nhiên

Nhận thông tin có động vật được giải cứu, nhóm cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang bất kể ngày hay đêm đều lên đường để tiếp nhận đưa về chăm sóc. Họ được ví là những "bác sĩ" không chuyên, đã hồi sinh cho hàng ngàn động vật, trả về tự nhiên thời gian qua.

Một góc Vườn quốc gia Vũ Quang - Ảnh: LÊ MINH

Một góc Vườn quốc gia Vũ Quang - Ảnh: LÊ MINH

Bén duyên với nghề chăm sóc động vật

Vườn quốc gia Vũ Quang là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Nơi đây có sự xuất hiện của rất nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm và là nơi lưu giữ nhiều nguồn gene rất giá trị nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu.

Hằng năm, Vườn quốc gia Vũ Quang còn là nơi tiếp nhận nhiều loài động vật hoang dã để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Song, từ năm 2018, số lượng động vật bàn giao cho vườn tăng lên một cách đột biến.

Quá trình tiếp nhận số lượng động vật lớn đòi hỏi có một đội ngũ chuyên nghiệp nuôi dưỡng, chăm sóc, thế nhưng tại Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn chưa có trung tâm chuyên trách vấn đề này.

Để giải quyết công việc phát sinh, Vườn quốc gia Vũ Quang giao nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc động vật cho nhóm 7 người thuộc Phòng khoa học và hợp tác quốc tế.

Và dù là những "bác sĩ" không chuyên nhưng nhóm cứu hộ này đã làm việc hiệu quả hơn cả mong đợi khi 6 năm qua đã "hồi sinh" hàng ngàn động vật để thả về tự nhiên.

Nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc động vật trước khi thả về rừng - Ảnh: LÊ MINH

Nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc động vật trước khi thả về rừng - Ảnh: LÊ MINH

Chị Lê Thị Bảo Ngọc (nhân viên Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang) cho biết chị cũng như những đồng nghiệp khác khi được giao việc tiếp nhận, chăm sóc động vật, bản thân hết sức bỡ ngỡ bởi chưa từng được học qua trường lớp đào tạo nào.

6 năm qua, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin từ người dân hoặc lực lượng chức năng có động vật cần bàn giao để tái thả về rừng là nhóm chị Ngọc lại lên đường đi tiếp nhận mang về Vườn quốc gia Vũ Quang.

Mỗi ngày đúng 6h sáng, chị Ngọc và nhóm nhân viên cứu hộ lại khoác trên mình chiếc blouse trắng đến khu vực chuồng sắt nuôi nhốt động vật trong vườn để dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra sức khỏe và cho các con vật ăn, huấn luyện những kỹ năng cơ bản giúp chúng nhanh chóng hòa nhập với môi trường tự nhiên.

Công việc tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế rất khó khăn, bởi mỗi con vật đều có một đặc tính, bản năng riêng, nên để chăm sóc và huấn luyện chúng khá vất vả.

"Hầu hết các con vật tiếp nhận về đã được nuôi nhốt từ lâu, chúng gần như mất hết bản tính hoang dã nên việc chăm sóc, huấn luyện chúng thực sự khó khăn.

Đơn cử tiếp nhận một con khỉ về nhưng do thay đổi môi trường sống nên chúng bỏ ăn, hoặc có con khỉ tái thả về rừng rồi nhưng ít hôm lại quay trở về nên không biết xử trí thế nào.

Chúng tôi phải gọi điện đến các trung tâm cứu hộ khác để được tư vấn, từ những trường hợp cụ thể đó chúng tôi mới đúc rút được kinh nghiệm để "bắt bệnh" chăm sóc, huấn luyện chúng" - chị Ngọc kể.

Chị Lê Thị Bảo Ngọc làm công việc chăm sóc động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã 6 năm nay - Ảnh: LÊ MINH

Chị Lê Thị Bảo Ngọc làm công việc chăm sóc động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã 6 năm nay - Ảnh: LÊ MINH

Chăm sóc động vật không những khó mà còn nhiều rủi ro. Nhiều loài động vật được nhóm cứu hộ tiếp nhận rất hung dữ, thậm chí mang trong mình chất kịch độc như rắn hổ mang chúa.

Chúng có thể tấn công nhóm nhân viên bất cứ lúc nào nếu trong quá trình chăm sóc không dè chừng và hết sức cẩn thận. Trên thực tế, có nhiều người trong nhóm nhân viên đã bị khỉ tấn công và để lại sẹo chưa mờ hẳn.

"Tháng 10-2023, trong một lần tái thả đàn khỉ về rừng tôi bị một con khỉ đuôi lợn tấn công ở tay, vết cắn khiến tôi phải nhập viện khâu 7 mũi; trước đó một đồng nghiệp khác cũng bị khỉ cắn ở chân.

Tuy vậy, sau nhiều năm gắn bó với nghề, dù vất vả nhưng công việc chăm sóc động vật hoang dã cũng cho tôi niềm vui, giúp tôi được trải nghiệm nhiều hơn và cũng lưu lại không ít kỷ niệm đối với nghề" - chị Ngọc tâm sự.

Một con khỉ tại Vườn quốc gia Vũ Quang sắp được thả về môi trường tự nhiên - Ảnh: LÊ MINH

Một con khỉ tại Vườn quốc gia Vũ Quang sắp được thả về môi trường tự nhiên - Ảnh: LÊ MINH

Giúp hàng ngàn động vật hòa nhập với tự nhiên

Theo thống kê của Vườn quốc gia Vũ Quang, tính từ năm 2019 đến nay đã tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, tái thả 1.315 con, trong đó có 722 con là động vật nguy cấp, quý hiếm.

Hiện tại đơn vị này đang chăm sóc, theo dõi sức khỏe hơn 60 con vật, trong đó hơn 30 con khỉ, hơn 20 con rùa thuộc các nhóm IB, IIB và một số loài chim.

Ông Nguyễn Việt Hùng - trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang) - cho biết mục tiêu cuối cùng của việc tiếp nhận các loài động vật là chăm sóc chúng có sức khỏe ổn định để tái thả về môi trường tự nhiên một cách sớm nhất.

Thế nhưng, tùy mỗi con vật sẽ có những đánh giá, cách tiếp cận khác nhau và thời gian chăm sóc trước khi thả về rừng cũng không hề giống nhau.

Một con rùa quý hiếm được Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp nhận từ lực lượng chức năng - Ảnh: LÊ MINH

Một con rùa quý hiếm được Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp nhận từ lực lượng chức năng - Ảnh: LÊ MINH

Nhìn chung, đơn vị tiếp nhận động vật từ hai nguồn: nguồn động vật nuôi nhốt lâu ngày giao nộp, đây là nguồn đã dần mất đi bản năng tự nhiên nên khi tiếp nhận phải mất một thời gian chăm sóc, huấn luyện mới thả về rừng.

Nguồn thứ hai là động vật hoang dã mắc bẫy, đối với nguồn này các nhân viên sẽ hóa vai "bác sĩ" thực hiện chăm sóc vết thương và thả về rừng ngay khi sức khỏe chúng ổn định.

"Để có những kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc động vật, các cán bộ nhân viên phải thường xuyên tự học hỏi, được cử đến các trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp trang bị thêm kiến thức, do đó dù không được đào tạo bài bản nhưng những năm qua nhóm nhân viên hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

Thậm chí, nhiều người còn cảm nhận việc chăm sóc động vật như ở trong ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi lần tái thả động vật về rừng chúng ngoái lại nhìn khiến trong chúng tôi ai cũng có một cảm xúc đặc biệt" - ông Hùng nói.

Đảo khỉ tại Vườn quốc gia Vũ Quang - nơi tái thả những con khỉ sau thời gian chăm sóc - Ảnh: LÊ MINH

Đảo khỉ tại Vườn quốc gia Vũ Quang - nơi tái thả những con khỉ sau thời gian chăm sóc - Ảnh: LÊ MINH

Theo ông Hùng, những năm gần đây Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp nhận số lượng động vật tăng đột biến bởi việc tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã được đẩy mạnh, người dân ý thức hơn việc nuôi nhốt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật nên đông đảo tự nguyện giao nộp.

Song, để đảm bảo điều kiện tốt nhất chăm sóc động vật sau tiếp nhận rất cần thành lập một trung tâm ứng cứu nhưng thời gian qua vẫn chưa thực hiện được nên có thời điểm, khu vực nuôi nhốt động vật gần như quá tải.

"Hoạt động cứu hộ và tái thả các loài quan trọng thời gian qua được Vườn quốc gia Vũ Quang thực hiện hết sức hiệu quả, góp phần rất lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên nguồn kinh phí của đơn vị hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ còn hết sức khó khăn, vì vậy thời gian tới chúng tôi mong muốn nhiệm vụ này cần được quan tâm đúng mức để công tác "hồi sinh" động vật hoang dã luôn được đảm bảo một cách tốt nhất" - ông Hùng cho hay.

Thăm Thăm 'đảo khỉ' giữa khu vườn đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam

Hàng chục con khỉ được Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, sau khi tái thả về môi trường tự nhiên sớm hòa nhập và có thể tự tìm kiếm thức ăn trên 'đảo khỉ'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên