16/06/2024 08:49 GMT+7

Nga đưa ra điều kiện cho hòa bình

Cuối tuần này Thụy Sĩ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại làng Obbürgen để cố gắng vạch ra những bước đầu tiên hướng tới hòa bình cho Ukraine mặc dù Nga không tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nằm trong số các nước chọn không tham dự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) khi vừa xuống sân bay tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 14-6 để dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine - Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) khi vừa xuống sân bay tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 14-6 để dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine - Ảnh: Reuters

Mặc dù không có mặt nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình từ quan điểm lập trường của Matxcơva.

Hôm 14-6, ông Putin nói "các điều kiện rất đơn giản". Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình nếu Ukraine rút toàn bộ lực lượng ra khỏi bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia ở miền đông và miền nam Ukraine mà Matxcơva tuyên bố chủ quyền.

Ukraine cự tuyệt thẳng thừng

Tổng thống Putin cũng cho biết Nga đang tìm kiếm "tình trạng trung lập, không liên kết, phi hạt nhân, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa của Ukraine".

Các điều kiện "không đơn giản chút nào" của Tổng thống Putin dường như phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng vào khả năng Matxcơva có thể áp đặt các điều kiện của mình, khi lực lượng của họ đã dần tiến bước kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine trong những tháng gần đây. Các lực lượng của Matxcơva đang tăng cường tấn công Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Ông Putin cũng không quên đưa ra cảnh báo: "Nếu Kiev và các thủ đô phương Tây từ chối, đó là lựa chọn của họ, là trách nhiệm chính trị và đạo đức của họ đối với việc tiếp tục đổ máu". Tổng thống Putin cho rằng tình hình quân sự của Kiev sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Ukraine từ chối đề nghị.

Cự tuyệt thẳng thừng là phản ứng tức thì từ nhà lãnh đạo Ukraine và giới chức Tây phương. "Đây là thông điệp tối hậu thư không khác gì những thông điệp trước đây", Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố.

Ukraine cho biết bất kỳ yêu cầu nào về phi quân sự hóa hoặc tính trung lập trong tương lai sẽ khiến nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên tại trụ sở Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels (Bỉ) rằng ông Putin "không ở vị thế có thể ra lệnh cho Ukraine những gì họ phải làm để mang lại hòa bình".

Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Đây không phải là một đề xuất được đưa ra một cách thiện chí". Ông Stoltenberg nói thêm: "Đây là một đề xuất Nga hy vọng rằng người Ukraine sẽ từ bỏ nhiều đất đai hơn so với những gì Nga có thể chiếm giữ cho đến nay".

Vấn đề là niềm tin. Cả Ukraine và phương Tây đều không tin rằng hòa bình có thể đến dù cho những điều kiện của ông Putin được thực hiện. Ông Zelensky cho rằng ông Putin sẽ không dừng tham vọng của mình, tấn công quân sự ngay cả khi yêu cầu ngừng bắn của ông ấy được đáp ứng.

Không kỳ vọng đột phá ở Thụy Sĩ

Đánh giá một cách thực tế thì phải thừa nhận hội nghị hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần này được coi là một nỗ lực mang tính biểu tượng hơn là mang tính thực chất của Kiev, nhằm tập hợp cộng đồng quốc tế để đối phó lại nước Nga có sức mạnh quân sự và nhân lực tốt hơn.

Đây cũng là cố gắng trong một loạt các nỗ lực mang tính đa phương của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine và nhằm cô lập nước Nga, hơn là nhắm tới mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine mà không có Nga.

Trong khi gói viện trợ vũ khí 61 tỉ USD mới của Mỹ đang chầm chậm được chuyển tới Ukraine, thì phương Tây đang hy vọng tạo ra các "cú hích tinh thần" mới cho Kiev. Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU với Ukraine và Moldova vào ngày 25-6 tới đây.

Cả hai quốc gia này đều đã được cấp tư cách ứng viên vào tháng 6-2023, một quyết định nhanh chóng theo tiêu chuẩn của EU do chiến dịch quân sự đặc biệt của Matxcơva thúc đẩy.

Trong tuần này, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý ngay trước thềm hội nghị ở Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine "tới khi nào còn cần thiết". Các đồng minh nhóm G7 thông báo sẽ sử dụng tiền lãi từ tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây để hỗ trợ khoản vay 50 tỉ USD cho Kiev.

Họ nói động thái này sẽ gửi một "tín hiệu rõ ràng" tới nước Nga khi chiến tranh tiếp tục kéo dài. Theo các quan chức Mỹ và Pháp, số tiền này có thể đến tay Kiev trước cuối năm nay. Một thỏa thuận mà Tổng thống Putin gọi là "trộm cắp" tài sản Nga và sẽ tìm cách trả đũa.

Hòa bình còn xa vời

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Biden cũng công bố hiệp ước an ninh 10 năm với Ukraine, một cam kết lâu dài từ Mỹ về việc tiếp tục cung cấp vũ khí, hỗ trợ tình báo, tư vấn và công nghệ cho Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại cũng như ngăn chặn một cuộc chiến mới.

Khi cả Nga, Ukraine và phương Tây đều quyết tâm không nhường bước thì hòa bình vẫn là điều xa vời.

Tin tức thế giới 16-6: Thượng đỉnh về hòa bình Ukraine khai mạc; Xe bọc thép Israel nổ tungTin tức thế giới 16-6: Thượng đỉnh về hòa bình Ukraine khai mạc; Xe bọc thép Israel nổ tung

Gần 100 quốc gia đến dự thượng đỉnh Ukraine; Cựu tổng thống Pháp quay lại chính trường; Iran và thành viên NATO thực hiện thỏa thuận lịch sử... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 16-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên