Trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Ukraine đã kêu gọi nhiều nước tham dự hội nghị hòa bình Ukraine, đang tổ chức tại Thụy Sĩ (ngày 15 và 16-6).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hãng tin AFP, trong lúc Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt nhiều tham vọng vào sự kiện này, người dân và binh sĩ Ukraine lại cảm giác khả năng hội nghị ở Thụy Sĩ có bước đột phá "gần như bằng không".
Quy tụ 90 quốc gia và các tổ chức quốc tế, sự kiện ở Thụy Sĩ diễn ra khi xung đột Ukraine và Nga kéo sang năm thứ ba. Đây được đánh giá là thời điểm tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh đang xâm chiếm các nước, đặc biệt "người trong cuộc" ở Ukraine.
AFP phỏng vấn Sergiy, phó chỉ huy một lữ đoàn xe tăng Ukraine tại vùng Donetsk phía đông Ukraine, và nhận được câu trả lời không mấy lạc quan.
Ông cho rằng chính trị sau cùng vẫn là chính trị, và khả năng tình hình Donetsk cải thiện không nhiều. Các cường quốc có thể ngồi lại để thảo luận thêm về việc chấm dứt chiến tranh, song đây không hẳn là một hội nghị thượng đỉnh thật sự tạo ra khác biệt.
Trong khi đó, nhân viên phụ trách máy bay không người lái 23 tuổi tên Danylo cũng cho rằng sự kiện tại Thụy Sĩ không mang tới thay đổi đáng kể: "Có lẽ đó chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng".
Donetsk là chiến trường khốc liệt bậc nhất cuộc xung đột Ukraine - Nga. Sau cuộc phản công không thành công năm ngoái, hiện Ukraine đang trong tình cảnh thiếu hụt nhân sự lẫn vũ khí để đối phó Nga.
Nhìn chung, với những bất lợi hiện nay, tâm lý lo lắng của người dân đang áp đảo. Điều này ảnh hưởng ngược tới khả năng chiến thắng của Ukraine, vì việc huy động quân sẽ càng khó. Một luồng ý kiến bi quan ở Ukraine sợ rằng sẽ còn nhiều người phải chết trận, theo AFP.
Victoria, một nhân viên ngành năng lượng 36 tuổi tại Kiev, thừa nhận đã "kiệt quệ" vì chiến tranh và "rất mong" hội nghị hòa bình giúp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, kỳ vọng này không cao.
"Tôi rất thực tế trong cuộc sống, vì vậy tôi không đặt hy vọng cao", cô nói.
Thực tế sự kiện ở Thụy Sĩ được xem là cách Ukraine thu hút sự ủng hộ và ít nhiều thống nhất được quan điểm chấm dứt xung đột, sau đó tiến tới đàm phán với Nga.
Nhưng trong những ngày qua, điều tích cực nhất cho Ukraine là các thỏa thuận an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó khác biệt giữa Ukraine và Nga vẫn rất lớn.
Ukraine kiên quyết với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky, trong đó có một số yêu cầu như Nga rút hết quân và trả lại lãnh thổ.
Ngược lại, trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chấp nhận ngừng bắn và đàm phán, với điều kiện Ukraine rút khỏi bốn khu vực Matxcơva đã sáp nhập gồm Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ngoài ra, lãnh đạo Nga cũng yêu cầu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận