Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine khai mạc, không có Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine đã chính thức khai mạc tại Thụy Sĩ, với sự tham dự của lãnh đạo hoặc đại diện cấp cao của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine khai mạc, không có Trung Quốc
Như nhiều dự đoán từ trước, Trung Quốc không cử đại diện tham dự hội nghị. Điều này khiến mong muốn thể hiện hình ảnh Nga bị cô lập trên trường quốc tế đã không thành.
Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine khai mạc, không có Trung Quốc
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các bên chủ yếu bàn bạc về các vấn đề rộng lớn do cuộc chiến gây ra như an ninh lương thực, an ninh hạt nhân...
Riêng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia - hai trong số các quốc gia được đề xuất đăng cai hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tiếp theo - đều nhấn mạnh sự kiện này cần có sự tham dự của Nga thì mới tạo được tiến triển thực tiễn.
Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 16-6.
Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị hòa bình đã hoàn thiện
Rạng sáng 16-6 (giờ Việt Nam), Hãng tin Reuters đăng tải toàn văn dự thảo tuyên bố chung chính thức của hội nghị hòa bình. Bản dự thảo này được hoàn thành ngày 13-6 và bản chính thức sẽ được công bố khi hội nghị bế mạc vào ngày 16-6.
Bản dự thảo này đề cập xung đột tại Ukraine là "chiến tranh" chống lại Kiev và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của nước này.
Bên cạnh đó, bản dự thảo cũng khẳng định các nước tham gia hội nghị thống nhất tầm nhìn về ba vấn đề: trao quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại cho Ukraine, đảm bảo sự an toàn cho tàu bè của Kiev neo đậu, đi lại giữa các cảng biển Azov và trao đổi toàn bộ tù binh hai bên bắt giữ.
Hiện chưa rõ tuyên bố chung chính thức sẽ thay đổi như thế nào so với dự thảo trên.
Nga chưa phản hồi các nội dung trong dự thảo này. Trước đó, Matxcơva đã nhiều lần tuyên bố hội nghị về hòa bình ở Ukraine lần này không có giá trị vì không có sự tham dự của Nga.
Phó tổng thống Mỹ công bố khoản viện trợ Ukraine 1,5 tỉ USD
Ngay bên thềm hội nghị thượng đỉnh trên khai mạc, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố khoản viện trợ mới nhất của Washington dành cho Ukraine, với trị giá lên đến hơn 1,5 tỉ USD.
Trọng tâm của gói viện trợ này là hỗ trợ nền công nghiệp năng lượng và tình hình nhân đạo tại Ukraine.
Trong đó, 500 triệu USD dành cho các khoản tài trợ mới về năng lượng. 324 triệu USD khác được bổ sung cho các khoản tài trợ từng được công bố liên quan đến việc sửa chữa khẩn cấp hạ tầng năng lượng và các nhu cầu khác của Kiev. 379 triệu USD còn lại dành cho việc hỗ trợ nhân đạo.
Văn phòng phó tổng thống Mỹ khẳng định: "Các nỗ lực này sẽ giúp Ukraine đáp trả các cuộc tấn công gần đây của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng thông qua việc giúp sửa chữa, phục hồi (hạ tầng) và nâng cao sự bền bỉ của Ukraine trước việc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn.
Nó cũng đặt nền móng cho việc sửa chữa và mở rộng hệ thống năng lượng Ukraine".
Israel xác nhận 8 binh sĩ thiệt mạng trong xe bọc thép
Quân đội Israel xác nhận 8 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra ở thành phố Rafah, cực Nam của Dải Gaza. Đây là sự cố gây tổn thất nhiều nhất về nhân mạng đối với quân đội Israel kể từ tháng 1 tới nay.
Thông tin sơ bộ từ cuộc điều tra của quân đội Israel cho biết các binh sĩ đều thiệt mạng khi ở bên trong một xe công binh chiến đấu bọc thép Namer. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 5h sáng 15-6, khi đoàn xe chở các binh sĩ vừa kết thúc cuộc tấn công trong đêm vào lực lượng Hamas ở khu phố Tel Sultan của thành phố Rafah.
Khi đó, đoàn xe đang tiến tới các tòa nhà đã được quân đội Israel kiểm soát để nghỉ ngơi.
Hàng trăm ngàn người Pháp biểu tình phản đối phe cực hữu
Ngày 15-6, hàng trăm ngàn người dân trên khắp nước Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối Đảng Mặt trời quốc gia mang xu hướng cực hữu, trước thềm cuộc bầu cử lập pháp tại nước này vào cuối tháng 6.
Cảnh sát Pháp thông báo khoảng 75.000 người đã tham gia biểu tình tại thủ đô và 217.000 người xuống đường trên cả nước.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Pháp lại ước tính tổng số người biểu tình ở Paris lên đến 250.000 người và số người biểu tình trên cả nước lên tận 640.000 người.
Trước đó, cảnh sát Pháp đã dự đoán có khoảng 350.000 người xuống đường và 150 cuộc biểu tình được tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Marseille, Toulouse, Lyon, Lille...
Cựu tổng thống Pháp bất ngờ ra tranh cử
Ngày 15-6, cựu tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ tuyên bố sẽ tham gia tranh cử vào hạ viện nước này, trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra cuối tháng 6. Ông Hollande là nguyên thủ Pháp trong giai đoạn 2012 - 2017 và là người tiền nhiệm của tổng thống Pháp hiện tại Emmanuel Macron.
Ông Hollande cho biết tranh cử theo bên Đảng Mặt trận Bình dân mới cho ghế nghị sĩ tỉnh Corrèze. Mặt trận Bình dân mới là liên minh đảng phái cánh tả vừa được thành lập để tham gia cuộc bầu cử sắp tới, bao gồm Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Xã hội Pháp, Đảng Xanh...
Trước loạt câu hỏi của báo chí về việc ông có đang nhắm vào ghế tổng thống một lần nữa, ông Hollande tuyên bố: "Đây là một quyết định đặc biệt cho một tình hình đặc biệt. Tôi không muốn vụ lợi gì cho bản thân. Tôi chỉ muốn phục vụ".
Thụy Điển và Iran thực hiện thỏa thuận trao đổi tù nhân lịch sử
Ngày 15-6, Iran và Thụy Điển đã thực hiện cuộc trao đổi tù nhân được xem là mang tính lịch sử. Thỏa thuận này được hai bên thống nhất và thực hiện, với Oman là bên trung gian.
Stockholm trả tự do cho ông Hamid Noury - quan chức Tehran bị cáo buộc có liên quan đến vụ hành quyết một loạt tù nhân chính trị Iran hồi năm 1988. Vào thời điểm bị bắt, ông Noury đang thụ án tù chung thân do tòa án Thụy Điển tuyên.
Đổi lại, Tehran trao trả hai công dân Bỉ bị bắt giam tại nước này là ông Johan Floderus và ông Saeed Azizi.
Cả ba tù nhân được trao đổi hiện đều đã về đến quê nhà, được hai nước xác nhận tình trạng sức khỏe tốt và đều đoàn tụ với gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận