Ukraine muốn Nga tham dự thượng đỉnh hòa bình tương lai
Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-6 (giờ địa phương), Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak tuyên bố "những trải nghiệm tồi tệ" trong quá khứ liên quan đến việc đàm phán với Nga khiến Kiev tin rằng việc kết thúc chiến tranh ở nước này cần "được xây dựng dựa trên nền tảng được đồng thuận rộng rãi ngay từ đầu, và gắn chặt với luật pháp quốc tế".
Do đó, Ukraine muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở nước này vào giữa tháng 7 với mong muốn thông qua một kế hoạch kết thúc chiến tranh được đông đảo các nước ủng hộ.
Chia sẻ với báo chí châu Âu, ông Yermak khẳng định tầm nhìn được "100 hoặc có thể nhiều hơn" quốc gia từ khắp các châu lục, thay vì chỉ Ukraine, ủng hộ "sẽ là kế hoạch thực thụ và khó có thể phủ nhận".
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết khi đã đạt mục tiêu trên, Kiev sẽ tính đến việc mở một hội nghị thượng đỉnh mới với sự tham gia của Nga.
"Với thượng đỉnh thứ hai, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả đồng nghiệp, tất cả quốc gia muốn tham gia. Chúng tôi đang thảo luận về việc cùng chuẩn bị một kế hoạch chung, được ủng hộ bởi tất cả các nước có trách nhiệm. Chúng tôi cũng đang xem xét khả năng mời một đại diện của Nga tham dự thượng đỉnh thứ hai để cùng nhau giới thiệu kế hoạch chung này", ông Yermak tuyên bố.
Ông Zelensky bị hai đảng lớn ở Đức tẩy chay
Ngày 11-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biểu trước Quốc hội Đức. Tuy nhiên, cả đảng cựu hữu AfD và đảng cực tả BSW cùng tẩy chay nguyên thủ Ukraine bằng cách không dự họp.
Trong đó, AfD (Con đường khác cho nước Đức) là đảng phái chính trị đang lên như diều gặp gió ở nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc hôm 9-6, AfD là đảng Đức giành số ghế nhiều thứ hai và nhiều hơn toàn bộ ba đảng thuộc liên minh cầm quyền tại quốc gia này.
Động thái trên cho thấy làn sóng phản đối việc ủng hộ Ukraine đang ngày một lên cao tại chính trường nhiều nước châu Âu.
Đồng lãnh đạo đảng AfD Alice Weidel và Tino Chrupalla khẳng định trong tuyên bố chung: "Chúng tôi từ chối nghe một diễn giả mặc đồ ngụy trang (trang phục thường thấy của ông Zelensky). Ông ta hiện chỉ là một tổng thống thời chiến đi van xin. Nhưng Ukraine không cần tổng thống thời chiến, họ cần một tổng thống thời bình sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chết chóc và cho quốc gia này có tương lai".
Đối diện vấn đề này, ông Zelensky cảnh báo với Quốc hội Đức: "Đối với tôi, điều quan trọng nhất là người dân đã không chọn các luận điểm dân túy thân Nga. Tuy nhiên, các luận điểm thân Nga rất nguy hiểm với quốc gia của quý vị".
Bill Gates khởi công dự án "cách mạng hóa" điện hạt nhân
Bill Gates và công ty năng lượng của tỉ phú này đang bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới tại Wyoming, dự án được kỳ vọng sẽ "cách mạng hóa" cách thức sản xuất điện.
Bill Gates có mặt tại thị trấn nhỏ Kemmerer hôm 10-6 để khởi công dự án. Nhà đồng sáng lập Microsoft hiện là chủ tịch của TerraPower, công ty hồi tháng 3 đã nộp đơn xin cấp phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân tiên tiến sử dụng natri thay vì nước để làm mát cho Ủy ban quản lý hạt nhân. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là một nhà máy điện hạt nhân thương mại.
Bill Gates nói với khán giả tại buổi lễ khởi công rằng họ đang "đứng trên nền tảng của tương lai năng lượng của nước Mỹ". Ông tuyên bố: "Đây là một bước tiến lớn hướng tới năng lượng an toàn, dồi dào, không phát thải carbon".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc liệt Israel, Hamas vào danh sách vi phạm quyền trẻ em
Ngày 12-6, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã điền tên lực lượng vũ trang và an ninh Israel, cánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo (Hamas), lực lượng Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) và các bên tham gia nội chiến tại Sudan vào danh sách các lực lượng vi phạm quyền trẻ em trên toàn cầu.
Hằng năm, đại diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba tổng hợp một báo cáo về các bên vi phạm sáu điều đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến quyền trẻ em, bao gồm: giết, gây thương tật vĩnh viễn, bắt cóc, bóc lột lao động, không cho tiếp cận các khoản hỗ trợ và tấn công vào trường học, bệnh viện.
Trong báo cáo năm nay, quân đội Israel và Sudan bị chỉ trích vì tấn công vào trường học, bệnh viện. Trong khi đó, hai nhóm vũ trang Hồi giáo ở Dải Gaza bị nêu tên bởi hành vi bắt cóc trẻ em.
Dự kiến, ông Guterres sẽ trình bày báo cáo này trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong ít ngày tới.
Thêm 4 bang Mỹ tham gia kiện Apple
Ngày 11-6, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các bang Indiana, Massachusetts, Nevada và Washington đã tham gia vụ kiện vi phạm luật chống độc quyền được cơ quan này khởi xướng nhắm vào hãng công nghệ Apple.
Vụ kiện được công bố hồi tháng 3 và đến nay đã có 15 bang và Đặc khu Columbia (thủ đô Mỹ) tuyên bố tham gia.
Đơn kiện cho rằng Apple đã lợi dụng thị phần của mình để thu nhiều tiền hơn từ khách hàng, đơn vị phát triển phần mềm, nhà sáng tạo nội dung, nhà phát hành nội dung số, các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương... so với các đối thủ của họ.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng việc làm này là hành vi độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Apple đã thực hiện hành vi độc quyền này qua việc ràng buộc các đối tác bằng điều khoản hợp đồng, hoặc không cho phép các nhà phát triển phần mềm truy cập những tài nguyên quan trọng.
Thông báo trên được đưa ra cùng lúc giá trị cổ phiếu của Apple tăng vọt 7,3% cuối phiên giao dịch 11-6, đẩy giá trị cổ phiếu của tập đoàn này lên mức cao kỷ lục.
Nhờ đó, giá trị vốn hóa thị trường của Apple tăng lên thành 3.180 tỉ USD, áp sát giá trị 3.220 tỉ USD của tập đoàn giá trị nhất thế giới Microsoft.
Mức tăng này diễn ra ngay sau khi tập đoàn này công bố các phiên bản hệ điều hành mới cho thiết bị của mình với nhiều bổ sung rất giá trị về trí tuệ nhân tạo (AI).
Haiti thành lập nội các mới
Ngày 11-6, Chính phủ Haiti do tân Thủ tướng Garry Conille lãnh đạo công bố danh sách nội các mới. Danh sách này giảm nhiều vị trí bộ trưởng và thay đổi hoàn toàn so với danh sách nội các của cựu thủ tướng Ariel Henry.
Nhiều bộ trưởng mới được bổ nhiệm của Haiti thậm chí còn không có kinh nghiệm chính trị trước đó.
Danh sách nội các mới được công bố hai tuần sau khi ông Conille nhậm chức.
Nội các mới của Haiti được kỳ vọng sẽ đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, bao trùm quốc đảo này từ sau vụ ám sát tổng thống Jovenel Moïse hồi tháng 7-2021.
Từ đó đến nay, các băng đảng đã mở rộng quyền lực tại quốc gia này, làm hàng ngàn người dân mất nhà cửa.
Cùng ngày 11-6, Văn phòng thủ tướng Haiti cho biết ông Conille đã gặp gỡ đại sứ Mỹ tại nước này Dennis Hankins. Hai người đã thảo luận về biện pháp hỗ trợ an ninh của Mỹ nhằm củng cố năng lực của cảnh sát Haiti trong cuộc chiến chống các băng đảng tội phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận