Xung đột Israel - Hamas
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết ủng hộ đề xuất ngừng bắn
Ngày 10-6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo ủng hộ đề xuất do Tổng thống Joe Biden đưa ra về lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza. Nga bỏ phiếu trắng, trong khi 14 thành viên hội đồng còn lại bỏ phiếu thuận.
Mỹ đã hoàn tất văn bản này hôm 9-6 sau 6 ngày đàm phán giữa các thành viên hội đồng. Nghị quyết hoan nghênh đề xuất ngừng bắn mới, "được Israel chấp nhận, kêu gọi Hamas cũng chấp nhận và kêu gọi cả hai bên thực hiện đầy đủ các điều khoản của mình không chậm trễ và vô điều kiện".
Nghị quyết cũng đi sâu vào chi tiết đề xuất và nêu rõ rằng "nếu các cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 tuần cho giai đoạn 1, thì lệnh ngừng bắn sẽ vẫn được duy trì chừng nào các cuộc đàm phán còn tiếp diễn".
Hamas đã lên tiếng hoan nghênh nghị quyết nêu trên của Hội đồng Bảo an, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hợp tác với nhà hòa giải trong việc thực hiện các nguyên tắc của kế hoạch.
Trước đó cùng ngày, Hamas kêu gọi Mỹ gây sức ép buộc Israel kết thúc xung đột Gaza - trước thềm chuyến thăm được lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới khu vực nhằm thúc đẩy nỗ lực ngừng bắn.
Mỹ xem xét thỏa thuận đơn phương với Hamas về việc thả con tin
Theo Đài NBC News, các quan chức Mỹ đã cân nhắc đàm phán một thỏa thuận đơn phương với Hamas để thả 5 con tin người Mỹ bị giam giữ tại Gaza, trong trường hợp các cuộc đàm phán ngừng bắn có liên quan đến Israel thất bại.
Báo cáo của NBC News trích dẫn 2 quan chức đương nhiệm và 2 cựu quan chức không nêu tên, không nêu rõ những điều kiện mà Mỹ có thể đề xuất với Hamas để đổi lấy các con tin.
NBC cho biết bất kỳ cuộc đàm phán đơn phương nào sẽ được tiến hành thông qua các nhà đàm phán Qatar và sẽ không có sự tham gia của Israel.
Nguồn tin của NBC cũng cho biết Hamas sẽ có động cơ để đạt được một thỏa thuận như vậy với Washington, vì nó sẽ làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Israel và gây thêm áp lực lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn đang đối diện với chỉ trích vì không làm nhiều hơn để giải thoát các con tin khỏi Gaza.
Phản hồi về thông tin này trước khi rời Cairo (Ai Cập), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: "Cách tốt nhất, hiệu quả nhất để đưa mọi con tin về nhà, kể cả con tin người Mỹ, là thông qua đề xuất ngừng bắn đang được đặt ra ngay lúc này".
Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Israel David Mencer kêu gọi tất cả các nước gây áp lực lên Hamas để thả tự do cho con tin.
Chưa tìm thấy máy bay chở phó tổng thống Malawi
Theo Hãng tin Reuters ngày 11-6, Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera cho biết ông đã ra lệnh tiếp tục các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cho đến khi tìm thấy máy bay chở Phó tổng thống Saulos Klaus.
Trước đó, vào ngày 10-6, máy bay chở ông Klaus và 9 người khác được báo cáo đã mất tích. Mọi nỗ lực liên lạc kể từ khi nó biến mất khỏi radar đều thất bại.
Chiếc máy bay này rời thủ đô Lilongwe lúc 9h17 giờ địa phương (14h17 giờ Việt Nam). Theo lịch trình, máy bay phải hạ cánh khoảng 45 phút sau đó tại sân bay quốc tế Mzuzu cách thủ đô Lilongwe khoảng 370km.
Ông Zelensky đến Đức, thảo luận về tái thiết Ukraine
Ngày 10-6 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo ông đã đến Đức để tham dự một hội nghị về việc tái thiết Ukraine. Ông cũng cho biết sẽ hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Sholz.
Các biện pháp liên quan đến ngành năng lượng của Ukraine, vốn đã bị ảnh hưởng từ các đòn tập kích của Nga, sẽ là ưu tiên tại sự kiện.
Cuộc hội đàm của ông Zelensky với Thủ tướng Sholz cũng sẽ đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ quân sự, bao gồm phòng không và sản xuất chung đạn dược, cũng như sự phối hợp giữa các bên trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức vào cuối tuần.
Ukraine tố Nga phóng bom dẫn đường vào Kharkov, 6 người bị thương
Thị trưởng TP Kharkov Ihor Terekhov cáo buộc Nga đã phóng 3 quả bom dẫn đường vào thành phố đông bắc Ukraine này, làm ít nhất 6 người bị thương và khiến các ngôi nhà riêng bị hư hại.
Kharkov - thành phố lớn thứ hai của Ukraine - và khu vực xung quanh từ lâu đã trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Nhưng các cuộc tấn công trở nên dữ dội hơn trong những tháng gần đây, với việc Ukraine tố Nga triển khai các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng.
Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự trong suốt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua.
Tổng thống Hungary không dự thượng đỉnh sườn đông NATO
Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Latvia, Tổng thống Hungary Tamas Sulyok sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Bucharest 9 (B9), tức 9 đồng minh ở sườn đông Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức vào ngày hôm nay (11-6) tại thủ đô Riga của Latvia.
Người phát ngôn của tổng thống Latvia cho biết đại sứ Hungary tại Latvia sẽ là người đại diện.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ không kết thúc bằng tuyên bố chung của 9 quốc gia, lần đầu tiên kể từ khi thể thức này được thiết lập vào năm 2015. Thay vào đó, một tuyên bố sẽ được đưa ra dưới danh nghĩa tổng thống Latvia, Romania và Ba Lan - các nước đồng chủ trì hội nghị.
Các nước B9 bao gồm Bulgaria, Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania (Litva), Ba Lan, Romania và Slovakia.
Hungary và các quốc gia Trung Âu khác đang nảy sinh những bất đồng, liên quan việc Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga và từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người cũng tham dự thượng đỉnh ở Riga, sẽ tới Budapest (Hungary) vào ngày mai (12-6) "để thảo luận về việc Hungary không tham gia sứ mệnh Ukraine của NATO", theo thông tin Thủ tướng Viktor Orban tiết lộ với truyền thông vào ngày 10-6.
Tuần trước, Hungary đã báo hiệu rằng nước này không có kế hoạch từ bỏ việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga và tìm cách tăng cường quan hệ kinh doanh với Matxcơva ở các khu vực không bị trừng phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận