Liên Hiệp Quốc cho Israel vào danh sách đen về trẻ em
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bổ sung quân đội Israel vào danh sách toàn cầu về vi phạm chống lại trẻ em vào năm 2023, dự kiến được công bố vào ngày 18-6. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết phong trào Hồi giáo Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine cũng sẽ bị liệt vào danh sách này.
Báo cáo thường niên Xung đột vũ trang và trẻ em bao gồm các vi phạm như giết, gây thương tật, bạo lực tình dục, bắt cóc, sử dụng trẻ em, từ chối tiếp cận viện trợ và tấn công trường học và bệnh viện.
Israel đã phản ứng dữ dội trước thông tin này. Đặc phái viên Israel tại LHQ Gilad Erdan gọi quyết định này là "đáng xấu hổ", trong khi Ngoại trưởng Israel Israel Katz cảnh báo quyết định này "sẽ gây ra hậu quả cho mối quan hệ của Israel với LHQ".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích rằng LHQ "ngày nay đã tự đưa mình vào danh sách đen của lịch sử khi thông qua những tuyên bố vô lý của Hamas".
"Lực lượng Phòng vệ Israel là quân đội có đạo đức nhất trên thế giới", ông khẳng định trên mạng xã hội X.
Tháng trước, LHQ cho biết ít nhất 7.797 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong 8 tháng đầu của cuộc xung đột ở Gaza dựa trên dữ liệu từ cơ quan y tế địa phương. Chính quyền Gaza cho biết tổng cộng có khoảng 15.500 trẻ em đã thiệt mạng.
Ông Blinken sắp đến Trung Đông để thúc đẩy ngừng bắn Israel - Hamas
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến thăm Trung Đông vào tuần tới để thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas.
Theo đó, ông Blinken sẽ thăm Israel và các đối tác Ả Rập quan trọng của Mỹ là Ai Cập, Jordan và Qatar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông Blinken "sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hamas chấp nhận đề xuất trên bàn đàm phán, gần giống với đề xuất mà Hamas đã thông qua vào tháng trước".
Đây là chuyến thăm thứ 8 của ông đến khu vực kể từ khi nổ ra xung đột ở Gaza ngày 7-10-2023 và cũng đánh dấu cuộc xung đột bước sang tháng thứ 9.
Mỹ đang thúc đẩy Hamas chấp nhận kế hoạch do Tổng thống Joe Biden đưa ra cách đây một tuần, theo đó sẽ ngừng giao tranh ở Gaza trong ít nhất 6 tuần và giải phóng các con tin bị Hamas bắt giữ.
Ông Miller cho biết kế hoạch này cũng sẽ "mở ra khả năng đạt được sự bình yên dọc biên giới phía bắc của Israel" khi căng thẳng gia tăng giữa Israel và phiến quân Hezbollah của Lebanon.
Hamas vẫn chưa chính thức trả lời lời đề nghị này nhưng đã chỉ trích rằng đây không phải là một đề xuất chi tiết bằng văn bản.
Ông Putin nói Nga không cần dùng vũ khí hạt nhân để thắng ở Ukraine
Khi được hỏi liệu Nga có nên dùng đến vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông không thấy có điều kiện để sử dụng những vũ khí như vậy.
"Việc sử dụng (vũ khí hạt nhân) có thể xảy ra trong trường hợp đặc biệt có mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tôi không nghĩ rằng trường hợp như vậy đã xảy ra. Không cần thiết như vậy", ông Putin nói.
Đây được đánh giá là tín hiệu mạnh mẽ nhất của Matxcơva cho đến nay rằng cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Dù vậy, ông Putin cho biết ông không loại trừ những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó đặt ra các điều kiện để sử dụng loại vũ khí này. Ông cũng nói rằng nếu cần thiết, Nga cũng có thể thử vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ nắm giữ gần 90% vũ khí hạt nhân của thế giới.
Mỹ diệt tên lửa chống tàu, drone của Houthi
Ngày 7-6, quân đội Mỹ cho biết đã phá hủy 4 máy bay không người lái (drone) và 2 tên lửa đạn đạo chống hạm tại các khu vực ở Yemen do phiến quân Houthi kiểm soát. Mỹ hành động sau khi nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn này phóng 4 tên lửa đạn đạo chống tàu ra Biển Đỏ nhưng không gây thiệt hại nào.
Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu ở Biển Đỏ và vịnh Aden kể từ tháng 11-2023 nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở Gaza. Từ đầu năm nay, Mỹ và Anh đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm làm suy giảm khả năng nhắm mục tiêu vào vận chuyển của lực lượng này.
Thủ tướng Đan Mạch bị đánh giữa đường
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bị một người đàn ông đánh tại một quảng trường ở Copenhagen ngày 7-6. Văn phòng bà Frederiksen cho biết bà "bị sốc" sau vụ việc và người đàn ông này sau đó đã bị bắt giữ. Cảnh sát chưa công bố danh tính và động cơ của hung thủ.
Vụ việc xảy ra ngay sau một loạt các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia trước cuộc bầu cử Liên minh châu Âu vào tuần này. Vào ngày 15-5, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã bị bắn bốn phát ở cự ly gần khi ông chào những người ủng hộ sau cuộc họp của chính phủ ở thị trấn Handlova.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã chỉ trích cuộc tấn công nhằm vào bà Frederiksen.
Ông Modi nhậm chức thủ tướng Ấn Độ trong tuần này
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 7-6 cho biết Tổng thống Droupadi Murmu đã mời ông thành lập chính phủ của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA), liên minh chiến thắng cuộc bầu cử vừa qua, và lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới trong 5 năm tới.
Ông Modi cho biết chính phủ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tối 9-6 và ông sẽ trở thành thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông - đảng đã giành được đa số phiếu tại các cuộc bầu cử 2014 và 2019 - cần sự hỗ trợ của các đảng trong khu vực để thành lập chính phủ. Điều này gây lo ngại về chính sách và tài chính của đất nước 1,4 tỉ dân này trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận