Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chiếc drone Trung Quốc được phát hiện bay vào khu vực nằm giữa đảo Yonaguni của Nhật Bản và đảo Đài Loan.
Nhiều máy bay, tàu chiến gần Đài Loan ngày 2-5
Phía Nhật Bản hiện chưa cung cấp hình ảnh chiếc drone nói trên. Chiếc drone sau đó tiếp tục bay về eo Ba Sĩ, nơi tàu chiến Mỹ và các nước Đông Bắc Á thường xuyên sử dụng để ra vào Biển Đông.
Đảo Yonaguni nằm cuối chuỗi đảo Ryukyu của Nhật Bản và chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 100km về phía đông bắc, theo Hãng tin Reuters.
Theo giới quan sát, chiếc drone của Trung Quốc có thể đã bay rất gần Đài Loan. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Cơ quan phòng vệ Đài Loan chưa bình luận gì về vụ việc này.
Trước đó, phía Đài Loan thông báo đã phát hiện 14 máy bay quân sự và 3 tàu hải quân Trung Quốc gần đảo này vào đầu ngày 2-5. Trong số này, có 2 máy bay đã vượt qua "đường trung tuyến giả định" mà Đài Bắc tuyên bố trên eo biển Đài Loan.
Trung Quốc xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi.
Theo giới quan sát, những động thái gây sức ép của Trung Quốc đã gây lo ngại với Nhật Bản, dẫn tới những thay đổi bố phòng tại các đảo gần Đài Loan.
Theo tờ Mainichi, Tokyo đã bố trí các đơn vị radar và tên lửa phòng thủ trên chuỗi đảo nằm vắt ngang đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.
Mỹ, một đồng minh của Nhật Bản, cũng đang tìm cách đảm bảo sẽ không có bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào bằng vũ lực ở eo biển Đài Loan. Washington đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước gần Đài Loan, trong đó có Philippines.
Mỹ điều ba tiêm kích tàng hình giám sát khí cầu lạ
Ngày 1-5, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận đã cử ba tiêm kích F-22 giám sát một khí cầu lạ gần đảo Hawaii. Trong sự việc xảy ra hồi cuối tuần trước, các phi công Mỹ đánh giá khí cầu này "không gây hại" nên không có hành động gì và quay về căn cứ.
Quân đội Mỹ không cho biết nguồn gốc của khí cầu nói trên. Hồi tháng 2 rồi, Mỹ đã huy động F-22 bắn hạ một khí cầu Trung Quốc sau gần một tuần nó xâm nhập không phận lãnh thổ chính của nước này.
Bắc Kinh xác nhận khí cầu là của họ nhưng đây là sự cố "đi lạc" và bác bỏ đây là thiết bị do thám, đồng thời chỉ trích Washington đã cố tình thổi phồng vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận