10/04/2023 07:58 GMT+7

Tịnh chiến kế của Trung Quốc với Đài Loan

Ngày 8-4, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu một cuộc tập trận mới kéo dài ba ngày quanh đảo Đài Loan mang tên "Liên Hợp Lợi Kiếm", huy động tàu sân bay, loạt rocket tầm xa, chiến hạm, máy bay chiến đấu.

Tàu chiến Đài Loan đeo bám tàu chiến Trung Quốc và một quân nhân Trung Quốc theo dõi tàu chiến Đài Loan trong hình ảnh trích từ các video clip do hai bên công bố ngày 9-4 - Ảnh: Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, Tân Hoa xã

Tàu chiến Đài Loan đeo bám tàu chiến Trung Quốc và một quân nhân Trung Quốc theo dõi tàu chiến Đài Loan trong hình ảnh trích từ các video clip do hai bên công bố ngày 9-4 - Ảnh: Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, Tân Hoa xã

Thông tin tập trận của Trung Quốc được công bố ngay sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có chuyến "quá cảnh" tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Bao vây, chia cắt vùng ngoài

Cuộc tập trận mới nhất của Bắc Kinh quanh đảo Đài Loan có nhiều chỉ dấu khác biệt so với cuộc tập trận để phản ứng với chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi vào tháng 8-2022.

Trong cuộc tập trận, mặc dù Trung Quốc huy động hàng chục máy bay và tàu chiến thuộc Chiến khu Đông Bộ đến các vùng biển lân cận, nhưng giữ khoảng cách chưa xâm phạm vào "lãnh hải" của Đài Loan.

Bắc Kinh cũng không thông báo các khu vực hạn chế bay và không xác định rõ phạm vi các khu vực tập trận quanh eo biển Đài Loan như cuộc tập trận tháng 8 năm ngoái.

Thêm vào đó, hạm đội tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được cho là đã bí mật triển khai đến vùng biển phía đông Đài Loan vào cùng thời gian nhưng vẫn giữ khoảng cách nằm ngoài 200 hải lý, khiến cho tình hình dường như được giữ trong tầm kiểm soát. Do đó, phía Đài Loan vẫn khẳng định sẽ không đáp trả bằng bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Các động thái "leo thang" nhưng thực chất lại "giảm leo thang" như vậy chính là những bước tiến mới trong việc kiện toàn thế trận "tịnh chiến kế". Đây là kế không đánh mà thắng khi lợi dụng thời gian hòa hoãn để khai thác triệt để các điểm yếu của đối phương.

Mưu kế này có sáu trọng tâm mà Trung Quốc đã âm thầm triển khai nhất quán từ trước đến nay.

Để có thể triển khai các động thái quân sự nhằm gây áp lực toàn diện lên các nỗ lực gắn kết quan hệ Mỹ - Đài, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành chiến thuật ba bước: (i) phong tỏa vùng biển xa, (ii) chia cắt vùng biển gần và (iii) xâm lấn đường trung tuyến eo biển Đài Loan.

Trong đó, ở bước thuộc vùng biển xa, Bắc Kinh đã liên tục vận động ngoại giao hiệu quả để các quốc gia từ bỏ công nhận Đài Loan. Gần đây nhất, Honduras đã trở thành quốc gia thứ chín cắt quan hệ với Đài Loan, khiến cho hiện chỉ còn 13 quốc gia công nhận vùng lãnh thổ này.

Trước đó, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đã liên tiếp vận động thành công Panama (2017), El Savador (2018), Solomon và Kiribati (2019) và Nicaragua (2021) tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".

Ở bước đi thuộc vùng biển gần, Trung Quốc đã khéo léo duy trì các tương tác thân thiện với cả ba quốc gia đồng minh quân sự hiệp ước của Mỹ ở sát cạnh Đài Loan.

Cụ thể, với Philippines, Trung Quốc đã đón tiếp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của nước này với tư cách nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Trung Quốc trong năm 2023. Bắc Kinh cũng vừa tiếp đón Ngoại trưởng Nhật Bản đầu tháng 4 năm nay sau khi hai bên đồng ý tổ chức đàm phán ở "mọi cấp độ" nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Về phía Hàn Quốc, Trung Quốc cũng liên tục mở rộng nhập khẩu lên đến 40% lượng linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc trong năm 2022 và cũng là thị trường xuất khẩu thương mại hàng đầu của nước này. Do đó, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từng khẳng định trong cuộc phỏng vấn với đài CNN tháng 9 năm ngoái rằng sẽ không ưu tiên cho vấn đề Đài Loan khi có xung đột quân sự xảy ra ở đây.

Các động thái này không chỉ khiến thế trận ngoại giao của Đài Loan ngày càng bị cô lập trên phạm vi toàn cầu, mà còn tạo nên xu hướng "đứng ngoài" xung đột quanh eo biển Đài Loan của cả ba quốc gia láng giềng vốn là đồng minh của Mỹ.

Cũng trong cuộc tập trận quân sự lần này, Trung Quốc đã khéo đan cài một hoạt động tuần tra do tàu Hải Tuần 6 thuộc Cục An toàn hàng hải tỉnh Phúc Kiến thực hiện nhằm mở rộng phạm vi chấp pháp lấn sang bên kia "đường trung tuyến" eo biển Đài Loan mà không gặp sự cản trở từ bất kỳ bên nào. Do đó, sự bao vây chia cắt vùng ngoài của Bắc Kinh đã tỏ ra hiệu quả.

Dẫn dắt dư luận bên trong

Không dừng ở ba bước nhằm bao vây vùng ngoài, Trung Quốc còn tiếp tục đẩy mạnh tương tác với các nhân tố có khả năng tác động đến tình hình cụ thể của Đài Loan bằng ba bước tiếp theo: (iv) tăng cường tiếp xúc với Đảng Quốc dân (KMT) có xu hướng duy trì ổn định quan hệ hai bờ eo biển, (v) phát huy tối đa sự phụ thuộc của Đài Loan vào thị trường Trung Quốc và (vi) định hướng dư luận cho thấy xu hướng bất ổn đối với an ninh của Đài Loan đến từ lập trường thân Mỹ của Đảng Dân tiến (DPP).

Trong đó, bước thứ (iv) được phía Trung Quốc liên tục tạo điều kiện xúc tiến từ đầu năm 2023 đến nay. Điển hình là chuyến thăm của quan chức Đài Loan cùng một đại diện Đảng Quốc dân vào tháng 1-2023 đã dẫn đến động thái Trung Quốc dỡ bỏ một phần lệnh cấm đối với hàng hóa Đài Loan. 

Sau đó là hai chuyến thăm Trung Quốc của Phó chủ tịch Đảng Quốc dân Hạ Lập Ngôn được Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Hỗ Ninh tiếp đón vào tháng 2-2023 và mới nhất là chuyến thăm của cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đến Trung Quốc.

Bước thứ (v) được xem là "xương sống" của chiến thuật "rút củi đáy nồi" nhằm tạo ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc đến nền kinh tế Đài Loan. Đây cũng là bước đi ít được dư luận quốc tế quan tâm nhưng lại được Bắc Kinh đầu tư quy mô lớn với các hoạt động mua dần các cảng biển quan trọng của Đài Loan (đặc biệt là cảng Cao Hùng).

Thêm vào đó, tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan với Trung Quốc vẫn lớn hơn rất nhiều kim ngạch thương mại của Đài Loan với Mỹ tính đến tháng 8-2022. Đây cũng chính là bước đi dẫn đến động thái Tập đoàn bán dẫn TSMC của Đài Loan phải vận động để được miễn trừ một năm khỏi lệnh cấm xuất khẩu chip sang thị trường Trung Quốc.

Hai bước đi trên đã góp phần định hướng dư luận Đài Loan tập trung về một xu hướng ổn định chiến lược giữa hai bờ eo biển. Nhiều khảo sát của Viện Brookings (Mỹ) cho thấy sự hiện thực hóa của bước đi thứ (vi) khi dư luận Đài Loan đã dần có xu hướng thừa nhận nguồn gốc của mọi bất ổn ở Đài Loan xuất phát từ các chính sách thân Mỹ thái quá của Đảng DPP.

Nhìn chung, kể từ sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền DPP do thất bại ở kỳ bầu cử địa phương cuối năm 2022, Trung Quốc đại lục đã đẩy mạnh thế trận "tịnh chiến kế" với các trọng tâm hướng đến một áp lực tổng thể dành cho bà Thái.

Do đó, các động thái áp lực quân sự lúc này nên được nhìn nhận như một lớp vỏ bọc của thế trận với tham vọng "không đánh mà thắng" mà phía Trung Quốc đã dày công xây dựng nhất quán từ trước đến nay, trong bối cảnh lãnh đạo Đài Loan ngày càng bị động trong việc chống đỡ.

6 trọng tâm trong thế trận "Tịnh chiến kế" áp dụng cho Đài Loan được Trung Quốc triển khai - Dữ liệu: LỤC MINH TUẤN - ĐỒ HỌA: T.ĐẠT

6 trọng tâm trong thế trận "Tịnh chiến kế" áp dụng cho Đài Loan được Trung Quốc triển khai - Dữ liệu: LỤC MINH TUẤN - ĐỒ HỌA: T.ĐẠT

Trung Quốc "bao vây Đài Loan từ bốn hướng"

Ngày 9-4, Thời báo Hoàn Cầu loan tin các máy bay quân sự và chiến hạm của nước này đã ở những vị trí "bao vây Đài Loan từ bốn hướng" trong ngày thứ hai của cuộc tập trận "Liên Hợp Lợi Kiếm".

Tờ báo của Trung Quốc nêu chi tiết chủng loại các tàu chiến và máy bay được huy động, trong đó có các khu trục hạm, khinh hạm, tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống ngầm.

Các đơn vị pháo binh của Bộ Tư lệnh chiến khu Đông bộ và Lực lượng tên lửa chiến lược cũng được huy động tham gia mô phỏng tấn công các mục tiêu tầm xa.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết tính đến chiều 9-4, họ đã phát hiện 70 máy bay Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, cũng như 11 tàu chiến xung quanh Đài Loan.

Chính quyền Đài Bắc đang theo dõi sát các động thái của các đơn vị tên lửa Trung Quốc do lo ngại Bắc Kinh có thể bắn một số tên lửa đạn đạo trong thời gian tới. Theo Hãng tin Reuters, Đài Loan đang tăng cường giám sát, thu thập thông tin tình báo và đặt các đơn vị phòng không trong tình trạng báo động cao độ.

Cùng ngày, các nguồn thạo tin của Reuters tiết lộ khoảng 20 tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan đang đối đầu qua "đường trung tuyến giả định" eo biển Đài Loan. Cả Trung Quốc và Đài Loan trước đó đều công bố những video tàu chiến hai bên di chuyển song song nhau và phát cảnh báo nhưng không nói rõ vị trí chính xác.

DUY LINH

Đài Loan: 11 tàu chiến, 70 máy bay Trung Quốc vây quanh đảo, "chúng tôi điềm tĩnh"Đài Loan: 11 tàu chiến, 70 máy bay Trung Quốc vây quanh đảo, 'chúng tôi điềm tĩnh'

Ngày 9-4, Đài Loan thông báo phát hiện 11 tàu chiến và 70 máy bay của Trung Quốc quanh hòn đảo, giữa ngày tập trận thứ 2 của Bắc Kinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên