19/11/2021 09:50 GMT+7

Xúc động giỏ hoa học trò cũ tặng cô giáo đã đi xa

NGUYỄN THỊ HỒNG ANH
NGUYỄN THỊ HỒNG ANH

TTO - Sau tiết ôn tập cuối học phần cho các em học sinh, tôi bất ngờ nhận được một lẵng hoa tươi giao đến tận nhà. Bạn shipper, giọng nói khá gấp: 'Cô ơi! Xuống nhận giúp em. Em còn nhiều giỏ hoa lắm'.

Xúc động giỏ hoa học trò cũ tặng cô giáo đã đi xa - Ảnh 1.


Tôi xuống mở cổng và ngạc nhiên khi nhận ra tên người nhận… không phải là mình. Đó là giỏ hoa của một học trò cũ gởi tặng mẹ tôi.

Khi đọc lời đề tặng được ghi nắn nót trên tấm thiệp nhỏ, tôi vô cùng xúc động: "Kính gởi cô. Cô đã đi xa nhưng lời cô dạy năm xưa, tình cảm cô dành cho em ngày ấy, em chưa bao giờ dám quên".

Khẽ khàng, tôi đặt lẵng hoa lên bàn thờ mẹ. Mẹ tôi đã mất cách đây hai năm, nhưng ký ức về mẹ chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những anh chị học trò cũ. Chợt nghĩ, trong vô vàn những tình cảm trên đời, tình thầy trò hẳn là một điều kỳ diệu và thiêng liêng đến kỳ lạ.

Giá như mẹ còn sống, chắc sẽ cùng tôi chào đón một ngày lễ tri ân đặc biệt nhất từ trước đến nay, để nhận ra rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, 20-11 vẫn là dịp để khắc ghi công ơn của thầy cô, những người lặng lẽ gởi trao tri thức cho biết bao thế hệ học sinh.

Chưa có thời điểm nào thầy trò ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách như hiện nay. Chúng tôi đã cùng đón một lễ khai giảng vắng bóng nhau trên sân trường. Nay lại cùng nhau sẻ chia một mùa tri ân qua màn hình trực tuyến. 

Hôm trước, khi tổng dượt cho các em học sinh các tiết mục văn nghệ online, tôi đã rưng rưng khi cả lớp dành tặng tôi một đoạn clip rất nhiều lời chúc, những bức thư nhỏ viết tay thay lời cảm ơn cô giáo.

Hơn bất kỳ ai, tôi thấu hiểu rằng khi tham gia vào quá trình học trực tuyến, bản thân các em học sinh là đối tượng gặp phải nhiều áp lực, khó khăn nhất. Vì dịch bệnh nên các em không thể đến lớp, tự do vui chơi với bạn bè, cũng như nhận được sự rèn giũa và bảo ban của thầy cô như trước đây.

Việc phải học trực tuyến tại nhà suốt một thời gian quá lâu đã khiến đời sống tinh thần của học sinh bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm. Chính thầy cô và gia đình phải là điểm tựa giúp học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý, để tự tin tiếp nhận tri thức và gặt hái thêm nhiều thành công trong học tập.

Vì thấu hiểu tâm lý học sinh nên tôi cố gắng dành thời gian tâm tình, chia sẻ với các em nhiều hơn trong các tiết văn. Ngoài giờ học, tôi thường cùng các em tham gia một số hoạt động phù hợp với đặc trưng bộ môn giảng dạy như đọc và viết review về sách, cùng xem phim và thảo luận trong những tiết sinh hoạt lớp.

Học sinh đa phần rất hào hứng khi tham gia các hoạt động trên. Các em thích thú tìm kiếm nhiều quyển sách, các bộ phim hay để viết review cho các bạn. Cũng nhờ thế, các em trở nên dạn dĩ, vui vẻ và hăng hái tham gia học tập hơn. Cá nhân tôi đánh giá rất cao những hoạt động trải nghiệm, mang tính tương tác cao, giúp gắn kết tình cảm thầy trò và bổ trợ thêm cho việc giảng dạy trên lớp.

Giáo viên trường tôi lập hẳn một nhóm Zalo mang tên SOS để giúp học trò tháo gỡ những vướng mắc về gia đình, bạn bè hoặc tâm sự cá nhân. Đó cũng là dịp để mỗi thầy cô học thêm các kiến thức tâm lý học đường, chia sẻ và thấu hiểu hơn về trường hợp của từng học sinh, đặc biệt là các em trong lớp mình đang giảng dạy.

Tôi đặc biệt tâm đắc triết lý giáo dục cân bằng và khai phóng trong môi trường học đường. Dù trong bất kỳ tình huống nào, ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục và bản thân mỗi giáo viên vẫn luôn là sự phát triển cân bằng giữa trí tuệ và tinh thần của các em học sinh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi chính là việc học sinh không chỉ trưởng thành về trí tuệ, tự do về tư tưởng mà còn phải có một trái tim nhân hậu và giàu lòng trắc ẩn.

Khi biết được những hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh của đội ngũ giáo viên trường tôi, nhiều phụ huynh đã gởi lời cảm ơn và tri ân chân thành đến thầy cô. Có cô phụ huynh đã lớn tuổi, là bà ngoại của em học trò trong lớp, gởi một tin nhắn đầy xúc động cho tôi và các thầy cô trong lớp: "Bà ngoại đã già, nên không hỗ trợ cháu học trực tuyến được. Cũng may nhờ các thầy cô giúp đỡ và bảo ban cho bé. Bà không biết nói gì ngoài lời cảm ơn sâu sắc dành cho cô chủ nhiệm và quý thầy cô". 

Lại có nhiều phụ huynh lặng lẽ hỏi thăm địa chỉ nhà tôi và các thầy cô bộ môn, rồi gởi lẵng hoa, trái cây và cả những chiếc bánh "hand-made" cả gia đình anh chị tự làm.

Cá nhân tôi, cũng như rất nhiều đồng nghiệp trong ngành giáo dục, rất trân quý những tình cảm ấy. Kế thừa những mong mỏi của mẹ khi còn sống, tôi tự hứa với mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều cố gắng trở thành một giáo viên mẫu mực, tận tụy với công việc và bao dung với học sinh. 

Lễ Hiến chương nhà giáo năm nay, dù không được hội ngộ nhau như thông lệ hằng năm, nhưng hy vọng mỗi nhà giáo đều cảm thấy bình an và hạnh phúc. Dù trực tiếp hay trực tuyến vẫn không thể cản ngăn được tình thầy trò ấm áp.

Thầy cô giáo nước ngoài ở Việt Nam: Thầy cô giáo nước ngoài ở Việt Nam: 'Thương biết bao bức tranh, ly trà sữa học trò tặng ngày 20-11'

TTO - Trong ký ức của những thầy cô giáo nước ngoài đã và đang giảng dạy tại Việt Nam, ngày 20-11 luôn là một phần khó phai và đong đầy tình cảm.

NGUYỄN THỊ HỒNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên