16/11/2021 09:36 GMT+7

Hai chữ nhà giáo thiêng liêng

HOÀNG THỊ THU HIỀN
HOÀNG THỊ THU HIỀN

TTO - Để xứng đáng với hai từ nhà giáo quả thật không dễ. Cố gắng thôi chưa đủ mà còn phải nhận thức lại về vai trò, trách nhiệm, nhất là về cách dạy của mình đối với học sinh.

Hai chữ nhà giáo thiêng liêng - Ảnh 1.

Cô trò Trường THCS Cửu Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: ANH KHÔI

"Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác " - nhà sư phạm người Nga Usinxki đã nói như thế.

Có một nhà văn nổi tiếng trên thế giới trong cuộc đời mình đã rất nhiều lần thay đổi nghề nghiệp. Đầu tiên là nghề khai khoáng với mong muốn làm giàu cho đất nước. Sau đó cha ông bị bệnh chết do nhà nghèo không có tiền mua thuốc nên ông đã quyết định chuyển sang nghề y với ý định học làm thầy thuốc chữa bệnh cho người nghèo.

Tình cờ trong một lần ông chứng kiến cảnh những người dân mình rủ nhau đi xem kẻ thù hành quyết người của dân tộc mình làm cách mạng, ông nhận ra rằng chữa bệnh về thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh về tinh thần. Một thân thể khỏe mạnh nhưng trí tuệ, tâm hồn tăm tối, ngu muội càng đáng thương hơn. Ông quyết định chuyển từ nghề thuốc sang nghề dạy học và viết văn với mục đích để khai sáng cho tâm hồn.

Câu chuyện đó nói lên tầm quan trọng của vị trí người thầy trong xã hội. Nghề giáo từ xưa tới nay được xã hội tôn vinh bởi trí tuệ, trái tim và sự thanh cao trong đời sống.

Có lần tôi tình cờ nghe được một nhóm học sinh bàn luận:

- Hiện nay có nhiều người làm nghề giáo nhưng nhà giáo thì rất ít.

- Ủa vậy là sao? Nhà giáo và nghề giáo khác gì nhau? - một người khác liên tiếng.

- Khác nhiều lắm chứ. Một bên là nghề như bao nghề khác: nghề lao công quét rác, nghề thợ may, nghề nông, nghề đánh bắt thủy sản, thậm chí ăn trộm cũng là một nghề.

Nghe đến đây tôi giật mình chua chát. Em học sinh kia

nói tiếp:

- Còn nhà giáo là những người được người khác tôn vinh, ngưỡng mộ bởi nhân cách, tài năng, tâm huyết. Những người như vậy đâu có nhiều phải không?

Nghe xong bạn kia nói cả nhóm đưa nhau cụng ly:

- Cậu nói hay lắm.

Các bạn ấy chắc không biết bàn bên cạnh có tôi là cô giáo đang nghe câu chuyện bàn luận của họ. Câu chuyện thật thấm thía và sâu sắc. Bạn nhận xét có thể chưa đúng, nhưng chúng ta cần nhìn lại mình để tốt hơn.

"Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi". Để xứng đáng với hai từ nhà giáo quả thật không dễ. Cố gắng thôi chưa đủ mà còn phải nhận thức lại về vai trò, trách nhiệm, nhất là về cách dạy của mình đối với học sinh. 

Vai trò của người truyền lửa, người thắp nến, người truyền cảm hứng, đánh thức những tiềm ẩn bên trong các em học sinh. 

Không phải một năm, hai năm mà phải bền bỉ suốt cả đời dạy học. Hiểu đúng về nghề mình để làm tốt hơn, để trân quý những gì mình đang có, đó là hạnh phúc, là động lực để chúng ta vươn tới.

Muốn truyền lửa, truyền cảm hứng thì trong tim chúng ta "lửa" phải cháy nồng nhiệt, không chỉ biểu hiện ở bên ngoài mà phải ngùn ngụt cả bên trong. "Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình" (Can Jung).

Nhà giáo Phan Thị Nhế được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba Nhà giáo Phan Thị Nhế được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba

Ngày 16-10-2021, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho nhà giáo Phan Thị Nhế với những đóng góp ý nghĩa cho công tác giáo dục và hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong nhiều thập niên qua.

HOÀNG THỊ THU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: 20-11 ngày nhà giáo