Ngày 4-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dự cuộc họp thượng đỉnh của SCO. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là người chủ trì.
Ra đời năm 2001 theo sáng kiến của Trung Quốc và Nga, SCO là tổ chức hợp tác Á - Âu, tập trung vào nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, và an ninh.
Hiện SCO có 8 thành viên, bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ, và Pakistan. Đây được xem là tổ chức làm đối trọng với ảnh hưởng từ phương Tây trong khu vực Á - Âu.
Theo Reuters, Iran được cho sẽ gia nhập SCO trong hôm nay (4-7). Đáng chú ý, Belarus cũng được kỳ vọng sẽ ký một tài liệu mở đường cho việc gia nhập tổ chức này sau đó.
Cả Iran và Belarus đều là những nước có quan hệ gần gũi với Nga. Việc kết nạp hai thành viên này vào một liên minh đã gồm Nga, Trung và Ấn sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của SCO về phía Tây của châu Âu và châu Á.
Giới quan sát phương Tây đặt sự chú ý vào Iran và Belarus. Đây cũng là hai quốc gia bị phương Tây chỉ trích vì ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Iran bị cáo buộc chuyển máy bay không người lái (drone) Shahed cho Nga, trong khi Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ.
Cuộc xung đột Ukraine khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bị đánh giá tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Một số ý kiến cho rằng bức tranh địa chính trị thế giới đang thay đổi theo hướng chia rẽ.
Phát biểu trong cuộc họp ngày 4-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định SCO nên tập trung vào các lĩnh vực hợp tác thực chất và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nhận định nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như xung đột đang tăng cao. Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ chống lại các hành động trừng phạt và khiêu khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận