12/04/2023 20:13 GMT+7

Iran đã đàm phán với Nga và Trung Quốc để mua nhiên liệu tên lửa?

Tờ Politico cho rằng Iran đã bí mật đàm phán với Trung Quốc và Nga để mua nhiên liệu tên lửa, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Iran đã đàm phán với Nga và Trung Quốc để mua nhiên liệu tên lửa? - Ảnh 1.

Binh sĩ Iran đứng cạnh tên lửa Shahab-3 - Ảnh: AFP

Theo báo Politico của Mỹ ngày 12-4, Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán với Nga và Trung Quốc để mua hợp chất ammonium perchlorate (AP), thành phần chính được sử dụng trong nhiên liệu rắn đẩy tên lửa.

Nếu mua nhiên liệu tên lửa là vi phạm lệnh trừng phạt

Tờ báo Mỹ trích dẫn các nguồn tin ngoại giao ẩn danh, và tới nay chưa có phản ứng hay xác nhận nào từ các bên liên quan.

Theo các nguồn tin trên, các cuộc đàm phán được nhắc tới có sự tham gia của công ty hóa chất nhà nước Nga FKP Anozit.

Trong khi đó ở Bắc Kinh, ông Sajjad Ahadzadeh - nhà ngoại giao Iran đang phụ trách cố vấn công nghệ - bị cho đóng vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán mua AP. 

Hiện chưa có thông tin cụ thể về công ty Trung Quốc nào tham gia hợp đồng này.

Nếu thông tin trên chính xác, đó có thể là biểu hiện vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc lên Iran - quốc gia vốn bị giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân.

Theo nghị quyết 2231 của Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2015, các nước bị cấm cung cấp AP cho Iran trừ phi có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an.

Các thông tin liên quan tới nghi án Nga, Trung Quốc và Iran đàm phán bí mật được Politico đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa ba nước này đã chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực thời gian qua.

Trung Quốc đã thành công trong việc làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Bắc Kinh cũng được cho đang thể hiện tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông thay thế Mỹ.

Tại châu Âu, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Nga giữa lúc Nga chịu áp lực trừng phạt từ phương Tây. 

Quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Matxcơva cũng có chuyển biến lạc quan sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga.

Lo ngại Trung Quốc và Iran giúp đỡ Nga trong xung đột Ukraine

Các nguồn tin trên chưa nắm rõ số lượng AP Iran đang cần, nhưng nói rằng con số này đủ để sản xuất hàng ngàn tên lửa, bao gồm Zolfaghar. 

Đây là loại tên lửa mà Iran và các đồng minh Trung Đông triển khai gần đây, có tầm bắn 700km.

Nếu thỏa thuận trên thành công, một số trong đó có thể được sử dụng tại Ukraine, theo các nguồn tin của Politico.

Cả Iran lẫn Trung Quốc đều bị cáo buộc hoặc nghi ngờ cung cấp vũ khí cho Nga. Tính tới nay, Tehran và Bắc Kinh đều bác bỏ các cáo buộc này.

Mặc dù vậy, dư luận ở phương Tây vẫn tiếp tục hoài nghi Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã cung cấp một số thiết bị quân sự cho Nga vài tháng gần đây, dù những đợt hỗ trợ này còn khiêm tốn.

Theo "các nhà ngoại giao thông thạo vấn đề" trong bản tin của Politico, việc giúp Nga thông qua Iran sẽ giúp Trung Quốc ngầm hỗ trợ Nga mà không trực tiếp mạo hiểm với các đối tác kinh tế phương Tây.

Đại sứ Trung Quốc: Phương Tây không có quyền chỉ thị Bắc Kinh về vấn đề UkraineĐại sứ Trung Quốc: Phương Tây không có quyền chỉ thị Bắc Kinh về vấn đề Ukraine

Ông Trương Hán Huy, đại sứ Trung Quốc tại Nga, tuyên bố các nước phương Tây không có quyền đưa ra chỉ thị cho Trung Quốc về quan hệ Nga - Trung và lập trường của Bắc Kinh về chiến sự ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên