Thượng đỉnh SCO: Những hứa hẹn ở Samarkand

DANH ĐỨC 25/09/2022 19:21 GMT+7

TTCT - Tuyên bố Samarkand mà Hội đồng nguyên thủ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thông qua tại thượng đỉnh tuần rồi ở thủ đô của Uzbekistan gồm đến 119 điều, có ý nghĩa như những lời hứa với nhau. Tuy nhiên, các hứa hẹn đó là để làm gì và đã thực sự nhất tri

Thượng đỉnh SCO: Những hứa hẹn ở Samarkand - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo SCO ở Samarkand. Ảnh: AFP

Tuyên bố tuyên xưng ngay từ đầu rằng SCO sẽ "cùng nhau đối mặt những thách thức và đe dọa mới trong khu vực SCO" và với rất nhiều bận tâm về an ninh, tiếp tục cho thấy 21 năm sau khi thành lập ở Thượng Hải vào năm 2001, ưu tiên hàng đầu của SCO vẫn là an ninh, từ chủ nghĩa khủng bố tới chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, cũng như các đe dọa an ninh khác như kỹ thuật số, không gian, thông tin...

Vật đổi sao dời

Tuyên bố ngày 16-9, ngay từ điểm 2, cho thấy SCO đang nhìn thế giới như thế nào: "Ngày nay, thế giới đang có những thay đổi mang tính toàn cầu, bước vào một kỷ nguyên mới của sự phát triển nhanh chóng và biến đổi trên quy mô lớn. Các quá trình cơ bản này đi kèm với tính đa cực mạnh hơn". 

Từ ngữ "đa cực" xuất hiện ở đây như một định nghĩa khác của SCO ở năm 2022: "Các quốc gia thành viên... tái khẳng định cam kết với một trật tự thế giới mang tính đại diện hơn, dân chủ, công bằng và đa cực dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, bình đẳng, không thể chia cắt, an ninh toàn diện và bền vững, đa dạng văn hóa và văn minh, cùng có lợi và hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia". 

Không nói ra cái trật tự thế giới cũ ra sao, song SCO hàm ý rằng trật tự đó ít mang tính đại diện, thiếu dân chủ và thiếu công bằng, đơn cực, đơn phương, và không bình đẳng.

SCO đào sâu đánh giá tình hình thế giới cũng trong điều 2: "Hệ thống các thách thức và đe dọa quốc tế hiện nay đang trở nên phức tạp hơn, tình hình thế giới đang suy thoái một cách nguy hiểm, các cuộc xung đột và khủng hoảng cục bộ gia tăng và những cuộc khủng hoảng mới đang xuất hiện". 

Như vậy theo SCO, các thách thức và đe dọa không còn là đơn lẻ, cục bộ, mà đã trở thành một hệ thống. Lỗi nhỏ, đơn lẻ thì còn có thể chắp vá, sửa chữa, chứ "lỗi hệ thống" là "hết thuốc chữa", chỉ có thể xóa sạch làm lại.

Tuy không nêu tên nước hay những nước nào, chỉ gọi chung là "hệ thống các thách thức và đe dọa quốc tế", song đọc tới đó, không thể không nghĩ xem kẻ nào đã làm tình hình "trở nên phức tạp hơn", thậm chí tạo ra "xung đột và khủng hoảng cục bộ". 

Tất nhiên, theo SCO thì nhiều khả năng những nước đang gây ra lỗi hệ thống đó không phải là... SCO, hiện bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, cộng thêm 4 quan sát viên Afghanistan, Belarus, Mông Cổ, và Iran, cùng 6 "đối tác đối thoại" (Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ).

Mở ngoặc đơn, SCO nay đã "rộng mở" hơn sau khi đã quyết định vào năm ngoái cho Iran bắt đầu quá trình gia nhập và còn có mặt cả một Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên then chốt của NATO và đang rất "lên giá" qua cuộc chiến tranh Ukraine, chưa kể một "đối tác đối thoại" ở tuốt Đông Nam Á xa lắc xa lơ - phải chăng như một lời khẳng định tính toàn cầu, tính đại diện, hay tính bình đẳng mà SCO đã tuyên xưng?

Trung thành với mục tiêu ban đầu

Tiền thân của SCO "Nhóm Thượng Hải 5" thành lập từ năm 1996, mà so với ngày nay không thay đổi mấy về mục tiêu, phương hướng cũng như thành phần tham gia. Cơ bản thì SCO phát xuất từ mối bang giao Nga - Trung, sau khi hai ông lớn này đã nhất trí được với nhau, thì "Nhóm Thượng Hải 5" (gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan) ra đời vào ngày 26-4-1996. Khởi đầu là hiệp ước "Tăng cường lòng tin quân sự ở các khu vực biên giới".

Bắt đầu bằng những vấn đề biên giới là dễ hiểu: năm 1969, hai nước Trung Quốc và Liên Xô từng động tay, động chân ở khu vực biên giới, và phải tới khi Chủ tịch Liên Xô Leonid Brezhnev sang Bắc Kinh gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong cuộc hội đàm kéo dài tới 11 tiếng, hai bên mới buông súng. 

Tháng 4-1997, hai nhà lãnh đạo Nga Boris Yeltsin và Trung Quốc Giang Trạch Dân ký "Tuyên bố chung Nga - Trung về một thế giới đa cực và thiết lập trật tự quốc tế mới", bắt đầu cho một tiến trình dài "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".

Trong văn kiện năm 1997, nổi bật câu: "[Hai nước Nga - Trung Quốc là] những cường quốc đóng vai trò nhân tố chính duy trì hòa bình và ổn định trong bối cảnh của một hệ thống quốc tế đa tâm đang nổi lên". 

Lúc đó, từ ngữ "đa tâm" đang thịnh hành sau một quãng thời gian thế giới ở trong thế đối kháng lưỡng cực (Mỹ - Liên Xô), rồi đơn cực (sau khi Liên Xô tan rã). Bối cảnh chung còn là một châu Âu đã gắn kết chặt chẽ sau Hiệp ước Maastricht 1992.

Trước đó hai năm, tháng 3-1990, trước viễn tượng thế giới đơn cực mới, nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa rời chức vào tháng 11-1989 Đặng Tiểu Bình đã cố vấn cho lớp lãnh đạo mới: "Cho dù có thay đổi gì ở Liên Xô, chúng ta hãy bình tĩnh phát triển quan hệ với họ, kể cả quan hệ chính trị, dựa trên 5 nguyên tắc sống chung hòa bình, mà không cần phải tranh cãi ý thức hệ nữa". 

Từ đó tới nay, về cơ bản Trung Quốc đã nhất quán đứng cùng bên, hoặc ít ra là không chống lại Nga - lập trường càng được xác quyết sau khi Hoa Kỳ giương oai diễu võ bằng cách thống lĩnh cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Về phía Nga, tháng 12-1992, ông Yeltsin đến Trung Quốc và ký tuyên bố xác định Nga và Trung Quốc là "các quốc gia thân thiện". Rồi tháng 7-1995, trong một cuộc họp ở Điện Kremlin, ông Yeltsin xác định chắc chắn hơn quan hệ với Trung Quốc: "Trung Quốc là quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất với chúng ta... Tương lai của nước Nga tùy thuộc vào mức độ thành công của sự hợp tác với Trung Quốc... Chúng ta có thể dựa vào vai Trung Quốc trong quan hệ với phương Tây, để phương Tây phải tôn trọng Nga".

Tất cả khiến việc thành lập Nhóm Thượng Hải 5 trở nên gần như tất yếu, để rồi ở Dushanbe, (Tajikistan) năm 2000, nhóm này ra tuyên bố "phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác nhân danh "chủ nghĩa nhân đạo" và "bảo vệ quyền con người"", đồng thời "ủng hộ trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định xã hội của 5 nước". Năm 2001, nhóm mở rộng lên 6 thành viên, và SCO ra đời.

Không còn là sân ga hai người

Giống như nhiều tổ chức quốc tế khác, SCO giờ đứng trước nan đề: không mở rộng thì tiếng nói thiếu sức nặng, nhưng mở rộng thì đứng trước nguy cơ chia rẽ. Nếu như Nhóm Thượng Hải 5 cốt lõi vẫn là Trung Quốc và Nga, thì nay với sự có mặt của các cường quốc Nam Á như Ấn Độ (từ 2017), thì diễn đàn chung ít nhiều phải chia sẻ bớt. Thượng đỉnh vừa rồi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đóng vai một tiếng nói khác, thể hiện rõ qua những tiếp xúc song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Nổi bật nhất là cuộc tiếp xúc của ông Modi với ông Putin. Ấn Độ đã phớt lờ kêu gọi của Mỹ và châu Âu không mua dầu của Nga, ngay cả khi nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine lên án gay gắt "việc [mua dầu] giảm giá [của Ấn Độ] trả bằng máu của người Ukraine". Nhưng đồng thời, ông Modi đã nói thẳng và công khai với ông Putin trước camera rằng "thời đại này không có chỗ cho chiến tranh".

Cảnh báo từ một quốc gia mà Điện Kremlin coi là thân thiện đấy lúc này thật cần thiết, bởi vấn đề không chỉ là vãn hồi hòa bình như một khẩu hiệu. Cũng trong khi gặp gỡ ông Putin, ông Modi bày tỏ những quan ngại về thách thức với các nước đang phát triển như nước ông về lương thực, năng lượng, và đời sống.

Một trật tự mới muốn thế chỗ trật tự cũ có thể đang tới tuổi "hưu trí" là dễ hiểu, song mỗi nước, mỗi lợi ích. Hiện tình hình giữa các nước thành viên chính thức và quan sát viên, đối tác đối thoại SCO thực còn ngổn ngang bất đồng, nên xem ra hy vọng trở thành một đối trọng thực sự của họ còn xa vời. ■

Để tránh tạo ra cảm nhận SCO đơn phương và có mục đích chống đối ai đó, tuyên bố của tổ chức này, sau khi cam kết "xây dựng một trật tự thế giới mới", còn thòng thêm mấy chữ: "Với vai trò điều phối trung tâm của Liên Hiệp Quốc". Thật là hợp lý hợp tình: SCO là quan sát viên Đại hội đồng LHQ từ năm 2005 và đã ký với LHQ Tuyên bố chung về hợp tác năm 2010. Cũng phải thấy, Tuyên bố SCO 16-9 được đưa ra chỉ 4 ngày trước hội nghị Đại hội đồng LHQ 20 tới 26-9 này: những đả phá trật tự thế giới cũ chắc chưa dừng lại ở Samarkand.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận