09/08/2024 10:13 GMT+7

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 4: Tiêu dùng thông minh để trụ ở thành phố

Canh "giờ vàng, flash sale" và săn thêm mã "freeship" (vận chuyển miễn phí) để mua sắm là cách phổ biến mà người lao động ở TP.HCM tiết kiệm chi phí sống và tiếp tục bám trụ ở TP.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 4: Tiêu dùng thông minh để trụ ở thành phố- Ảnh 1.

Cuối tuần, anh Ngọc Báu dạo siêu thị xem các chương trình khuyến mãi để mua sắm tiết kiệm - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Đây là những cách tiêu dùng thông minh mà rất nhiều người có thu nhập hạn chế đang thực hiện để ổn định được cuộc sống bản thân và gia đình nơi đô thị đắt đỏ này.

Đi chợ nửa giá, tại sao không?

Khéo léo lựa chọn khung giờ phù hợp để đi chợ, các bà nội trợ sẽ chọn được nhiều loại thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây và nhiều vật dụng khác cho gia đình với giá có khi chỉ bằng hai phần ba hay phân nửa so với giá gốc.

Nhanh tay chọn loại rau củ và trái cây tại khu vực giảm giá 50%, chị Ánh Nguyệt (39 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) hồ hởi: "Nói là sản phẩm được giảm giá nhiều nhưng chất lượng vẫn còn tốt, tôi thường đi chợ truyền thống lẫn các siêu thị lớn nhỏ nên tự tin đánh giá được sản phẩm, đầu tiên là chất lượng, sau đó là giá tốt, tiết kiệm được nhiều thì mình chọn thôi".

Hầu như các siêu thị, cửa hàng bách hóa nào cũng có quầy "flash sale" với đa dạng các mặt hằng từ lương thực, thực phẩm, các loại gia vị và vật dụng gia đình khác.

Các khung giờ "bùng nổ" giảm giá thực phẩm tươi sống và rau củ quả thường rơi vào cuối ngày làm việc, đặc biệt từ 18h trở đi.

"Cuối ngày đi làm về tôi hay lượn siêu thị gần nhà để mua thịt cá, rau củ về nấu bữa tối và chuẩn bị cơm mang đi làm cho hôm sau. Nếu chọn các sản phẩm được khuyến mãi thì giá đôi khi rẻ hơn so với đi chợ truyền thống mà chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, ổn định hơn", chị Ngọc Nghi (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ.

Vào giờ tan tầm, nhiều chương trình khuyến mãi, không khí "đi chợ nửa giá" tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa càng lúc càng tấp nập, các mặt hàng từ thịt cá, rau củ, trái cây... được dán tem giảm giá 50% nhanh chóng vơi đi trên các kệ.

Ngoài ra, việc đi chợ online, đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng được nhiều người chú ý đến các khung giờ vàng, flash sale, mua hàng qua livestream (phát trực tiếp) để được giá sốc và đặc biệt là không quên săn thêm các mã "freeship" (vận chuyển miễn phí) để tối ưu hóa chi phí cho các đơn hàng của mình.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 4: Tiêu dùng thông minh để trụ ở thành phố- Ảnh 2.

Đi chợ nửa giá gần như trở thành xu hướng chi tiêu giữa thời “bão giá” - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Chỉ mua sắm khi thực sự cần thiết

Chị Trần Thương (31 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ nếu hỏi thu nhập bao nhiêu là đủ cho cuộc sống ở TP.HCM thì rất khó trả lời, tùy thu nhập mà người lao động sẽ "liệu cơm gắp mắm".

Tuy nhiên với một người thuộc tuýp không có nhu cầu mua sắm cao, chị Thương kể: "Tôi chỉ mua một món đồ nào đó khi thực sự cần thiết và cũng so giá rất kỹ giữa nhiều siêu thị, cửa hàng.

Ví dụ đối với đồ gia dụng thì tôi thường đặt hàng online vì trên đó có nhiều chương trình khuyến mãi, voucher giảm giá lên đến 40-70%, các mặt hàng điện tử có giá trị lớn nên khi áp mã vào sẽ thấy giảm được kha khá tiền".

Để cân bằng chi tiêu hằng ngày, ổn định cuộc sống bền vững ở TP, chị Thương chia từng khoản tiền ra cho mỗi mục như mua sắm, ăn uống, du lịch, tiết kiệm... nhằm tạo ý thức tiêu xài có kế hoạch.

Hằng tháng các khoản mua sắm được chị quy định tầm 2-3 triệu, ăn uống tối đa 4 triệu, tiết kiệm mỗi tháng phải được 2-3 triệu dành để phòng thân nếu chẳng may ốm đau hoặc có việc cần dùng tiền đột xuất, nếu dư dả hơn thì có thể dùng để tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch.

"Một bịch nước giặt cỡ 3kg có giá 160.000 đồng mà tôi xài hai tháng mới hết dù mỗi tuần giặt đồ 2-3 lần. Quần áo thì tôi mua đồ Quảng Châu, giá tầm 150.000 - 200.000 đồng mỗi món, mặc cũng được mà giá rẻ có khi gấp nửa so với quần áo tại các shop ở TP.HCM.

Còn mỹ phẩm thì tôi chỉ dùng các loại tầm trung, chất lượng tương đối tốt mà giá cũng phải chăng, tôi cũng hay dạo các sàn thương mại điện tử để xem săn giảm giá, tiết kiệm được ít nhưng dồn lại lâu ngày sẽ mua được thêm vật dụng khác", chị Thương kể về cách giải bài toán chi tiêu của mình.

Cũng đặc biệt quan tâm đến những đợt khuyến mãi của các mặt hàng hay sử dụng nhưng anh Ngọc Báu (33 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) thích trực tiếp đến các siêu thị hoặc cửa hàng để tận tay lựa chọn, sắm sửa cho không gian sống và sinh hoạt tại phòng trọ chưa tới 25m2 của mình.

"Siêu thị cũng thường xuyên có các chương trình ưu đãi, đặc biệt là dành cho khách hàng thân thiết nên tôi cũng hay theo dõi để xem có thứ gì đang giảm giá nhiều mà nhà mình đang cần dùng thì tôi mua, cuối tuần tôi cũng thường đi dạo quanh xem khuyến mãi", anh nói.

Anh Báu cũng quan niệm chỉ mua cái gì khi nó thực sự cần thiết, vì không gian sống ở TP.HCM cũng nhỏ hẹp, chỉ cần thoải mái cho những sinh hoạt hằng ngày, sạch sẽ, gọn gàng là đã có thể sống tốt.

Mở ghi chú chi tiêu hằng ngày, anh Báu cười vui vẻ khoe: "Tháng này tôi phải chi hơn 3 triệu đồng để mua sắm nhiều sách và vật dụng nhà cửa. Tôi chọn các sản phẩm đang được khuyến mãi để có giá tốt, sương sương cũng tiết kiệm được hơn 500.000 đồng, cũng đỡ khổ!".

Tâm sự thêm, chị Trần Thương tự đánh giá cuộc sống ở TP của mình là "tới đâu hay tới đó", với thu nhập thuộc tầm trung 10 - 15 triệu mỗi tháng thì cũng chỉ vừa đủ để xoay xở các khoản chi tiêu hằng ngày, ít dư dả để có thể gửi tiền về quê cho bố mẹ.

"Nói chung là bây giờ tỉ lệ thất nghiệp tăng, giá cả gì cũng tăng nhưng lương không tăng, còn bố mẹ dưới quê thì ngày càng già yếu... Con cái như tôi không dành dụm được nhiều thì không lo được gì cho bố mẹ, rồi tỉ dụ có lập gia đình, sinh con đẻ cái thì gánh nặng lại nhân đôi...", chị Thương tâm sự lý do phải tính toán chi li giữa thu nhập và chi tiêu để trụ được ở TP.

Hiện tại chị Thương vẫn cố gắng bám công việc là nhân viên văn phòng ở TP.HCM, đôi lúc chị chạy thêm "công việc ngoài" với thù lao không thường xuyên từ 2 - 3 triệu đồng để cải thiện thu nhập. Những dịp lễ Tết chị mừng tuổi cho bố mẹ, chứ tiền cho hằng tháng chị chưa có điều kiện để gửi thường xuyên.

"Bỏ ống heo online" dành tiền tiêu Tết

Thay vì "nuôi heo" theo kiểu truyền thống thì hầu hết các ứng dụng ngân hàng hiện nay đều có mục "nuôi heo online". Nhiều người đã tập dần thói quen tiết kiệm hằng ngày hoặc hằng tuần với số tiền linh động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

"Tôi tiết kiệm online ba năm nay, đặt mục tiêu mỗi năm tiết kiệm được 15 triệu đồng, rồi cài đặt tự trừ 42.000 đồng vào ống heo của mình mỗi ngày, số tiền tôi cài đặt nhỏ và lẻ để lúc mất tiền mình không để ý, không áp lực, cuối năm coi vậy mà cũng có một khoản tiền kha khá để tiêu Tết", chị Phương Bình (35 tuổi, quê Đồng Nai) chia sẻ.

Đây được xem là một hình thức gửi tiết kiệm online nhẹ nhàng, chủ động được về mục tiêu và phương thức dành dụm mà nhiều người lao động lẫn sinh viên đang áp dụng. Chỉ cần không tùy tiện tất toán "ống heo" thì lâu lâu ngoảnh lại cũng có một số tiền bất ngờ mà bản thân dành dụm được.

_____________________________________________________

Ở tuổi 35, bỗng phát hiện khối u tuyến giáp, chị cùng chồng phải tính toán lại các khoản chi tiêu gia đình. Về cơ bản, chi tiêu của họ phải giảm xuống mức tối thiểu để dành tiền điều trị bệnh.

Kỳ tới: Phải có khoản dự phòng cho biến cố cuộc đời

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 3: Nghỉ ngơi ít, cày nhiều hơn mới mong trụ nổiThu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 3: Nghỉ ngơi ít, cày nhiều hơn mới mong trụ nổi

Để bám trụ thành phố, nhiều người chọn cách cày sâu cuốc bẫm nhiều việc cùng lúc. Ngoài công việc chính, các bạn trẻ còn kiếm việc làm thêm, buôn bán online. Tất cả vì bài toán thêm nguồn thu nhập giữa thời gạo châu củi quế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên