08/08/2024 11:36 GMT+7

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 3: Nghỉ ngơi ít, cày nhiều hơn mới mong trụ nổi

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Để bám trụ thành phố, nhiều người chọn cách cày sâu cuốc bẫm nhiều việc cùng lúc. Ngoài công việc chính, các bạn trẻ còn kiếm việc làm thêm, buôn bán online. Tất cả vì bài toán thêm nguồn thu nhập giữa thời gạo châu củi quế.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 3: Nghỉ ngơi ít, cày nhiều hơn mới mong trụ nổi- Ảnh 1.

Chị Mã Thị Đẹp chạy xe công nghệ buổi tối để tăng thu nhập - Ảnh: YẾN TRINH

Ngày phụ quán, đêm chạy xe ôm

TP tối giữa tuần mưa lâm thâm. Trên cuốc xe công nghệ từ quận 3 (TP.HCM) qua Bình Thạnh, chúng tôi lắng nghe tâm sự của chị Mã Thị Đẹp (37 tuổi, ngụ quận 12).

Khoác chiếc áo còn khá mới của hãng xe, chị cho biết mình chạy xe bảy tháng nay vào buổi tối, ngày nào cũng từ chiều đến hơn 21h, nhưng dạo này mưa nhiều nên ế khách.

"Ban ngày tôi phụ bưng bê cho một quán ăn ở quận Gò Vấp. Ngày làm 8 tiếng, được trả công 200.000 đồng, không vất vả, gò bó như đi làm công ty", chị trải lòng. Tính luôn thu nhập chạy xe thêm buổi tối, mỗi tháng chị kiếm khoảng 10 triệu đồng.

Hiện chị gửi con trai 10 tuổi về quê cho ông bà chăm sóc. Thuê phòng 1,2 triệu đồng/tháng trong dãy trọ công nhân gần cầu vượt Tân Thới Hiệp, chị thường tự nấu ăn để tiết kiệm. Lúc chở khách, chị mang nước theo để đỡ tốn tiền mua.

Chị tâm sự: "Tôi không phải kiểu quá tiết kiệm, cũng hay nấu nướng theo sở thích nhưng sẽ nấu những món vừa túi tiền. Thu nhập của mình không nhiều như người ta nhưng tạm đủ sống và gửi về cho ông bà chăm con, lo cho con đi học. Sống đâu quen đó, dè sẻn cũng đủ trang trải".

Gần 20 năm mưu sinh nơi TP, trải nhiều công việc, nhiều lần chuyển chỗ trọ, chị tâm sự có những lúc chạnh lòng nhưng về quê thì khó tìm việc. Sắp tới chị định chuyển qua ở nhờ người bà con để đỡ tốn so với ở trọ như hiện nay.

Còn anh Trương Minh Thiện (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) kể trước khi con trai 5 tuổi vào mẫu giáo, vợ chồng làm mỗi tháng cộng lại hơn 20 triệu đồng, sống thoải mái, thậm chí có dư gửi về quê cho cha mẹ.

Giờ anh tốn thêm 3 - 5 triệu tiền học mẫu giáo cho con hằng tháng. Hơn ba năm nay anh không còn gửi tiền về quê.

"Tôi thấy ổng đi làm mà xót xa. Mình về chỉ việc cơm nước cho chồng con là xong, còn ổng về là tranh thủ lùa thiệt nhanh chén cơm, nằm nghỉ chưa được 10 phút là khoác áo mở app chạy xe kiếm thêm tiền" - chị Hương, vợ anh, xúc động kể.

Chạy xe công nghệ từ 18h, đến 23h anh Thiện mới về tới. "Ngày nào tốt trời chạy đêm cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn. Còn mấy hôm mưa gió này được trăm rưỡi là mừng húm rồi", anh nói.

Nếu chạy đều sau giờ làm như vậy, anh kiếm thêm khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Anh cho hay nhìn vậy chứ không dư. Ở tuổi của anh đâu chỉ có ăn với uống, thi thoảng lại đám tiệc, lâu lâu ngồi chung đồng nghiệp vài buổi cà phê dù anh đã cố gắng "né".

"Ai nhìn thì khen tôi giỏi chứ thiệt ra làm 8 tiếng trên công ty cả ngày đã mệt nhừ. Về chạy ngoài đường thêm 4 - 5 tiếng có lúc mệt quá muốn ngủ gục ngoài đường. Lỡ lập gia đình ở đây thì phải ráng chứ biết sao bây giờ", anh bộc bạch.

Nói về tương lai, trước mắt vợ chồng anh Thiện tìm cách giảm chi tiêu, lo cho con trai một năm nữa vào tiểu học. "Chúng tôi định hết hạn thuê chung cư sẽ xuống khu nào rẻ thuê cái trọ được được một chút, sẽ tiết kiệm được kha khá tiền lo cho con rồi từ từ tính tiếp", anh chia sẻ.

Gia đình anh đã tính tới chuyện gửi con về quê học cho đỡ chi phí. Ngoài ra nếu chỉ có hai vợ chồng sẽ ăn uống hà tiện, tiết kiệm thêm một khoản. Chị Hương đang tìm công việc liên quan ngành dược của mình để làm thêm buổi tối, như phụ bán mấy tiệm thuốc tây gần nhà.

Hai vợ chồng trẻ cho biết lúc trước chưa từng nghĩ khi có con gánh nặng kinh tế lại lớn đến vậy. Các khoản tiền dư hồi trước họ đều dành ra mua sắm, không để dành nhiều, giờ mới cảm nhận rõ sự khó khăn.

Sinh viên Nguyễn Kiều bán xôi thuê buổi sáng để trang trải sinh hoạt phí - Ảnh: YẾN TRINH

Sinh viên Nguyễn Kiều bán xôi thuê buổi sáng để trang trải sinh hoạt phí - Ảnh: YẾN TRINH

Sắp xếp thời gian, sức lực, không nên quá ôm đồm

Có gia đình thì vất vả theo kiểu có gia đình, còn sinh viên học ở TP cũng áp lực cơm áo không kém, đặc biệt là những bạn nhìn xa, tính đường tương lai sẽ xin việc và làm công dân TP.

Sáng sớm ở góc đường Điện Biên Phủ (quận 10), cô sinh viên năm 2 Trường đại học Sài Gòn tên Nguyễn Kiều chăm chỉ đứng bán từng hộp xôi bắp, xôi xéo. Thường có giờ học vào buổi chiều, Kiều tranh thủ bán 4 tiếng buổi sáng.

Kiều chạy xe đến góc đường này, phía chủ sẽ giao khoảng 5kg xôi, bán hết sẽ giao thêm. Mỗi giờ cô nhận 25.000 đồng tiền công.

Có lúc khách đến ba, bốn người, cô bán không ngơi tay. Chỉnh lại chiếc nón giữa trời nắng, Kiều chia sẻ: "Nếu lỡ sáng có giờ học thì tôi sẽ nghỉ bán. Tôi đi làm thêm từ năm nhất, trước đây chưa phụ bán xôi, tôi phụ bán quán cà phê tiền công 20.000 đồng/h". Không những thế, cô còn làm phục vụ ở nhà hàng từ 17h30 đến 23h nếu rảnh buổi tối.

Về khoản ở trọ, Kiều ở ghép nên mỗi tháng cô trả 1,5 triệu đồng tiền phòng. Số tiền này cùng với học phí được ba mẹ gửi xuống. Tiền làm thêm cô để ăn uống, tiêu vặt. Cô vui vẻ cho biết bạn bè mình cũng đi làm thêm.

Theo ông Nguyễn Duy Chuyền - nhà sáng lập Doctor Housing (hoạt động lĩnh vực tư vấn bất động sản, tài chính), các bạn thu nhập thấp mà tìm nguồn thu thứ hai, thứ ba từ lợi thế sẵn có của mình thì rất tốt.

Chẳng hạn sáng đi làm văn phòng, tối về các bạn có thể bán hàng online. Những người có chí tiến thủ làm hai, ba công việc một lúc như vậy rất đáng được trân trọng.

"Song cũng cần phải lưu ý công việc nào là chính, công việc nào là phụ để sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Không thể mải mê công việc phụ mà làm trì trệ, ảnh hưởng công việc chính. Nên phân loại ra đâu là việc làm ngắn hạn, đâu là dài hạn, từ đó chúng ta sẽ lấy ngắn nuôi dài", ông cho biết.

Thực tế rất khó để làm nhiều việc một lúc mà không bị căng thẳng. Theo ông Chuyền, khi các bạn trẻ chọn làm nhiều công việc một lúc, đó được xem là sự đánh đổi thời gian, công sức để mang về thu nhập cao hơn.

Có chăng bạn hãy lựa những công việc một cách thông minh ngay từ đầu, cái nào nên tự làm, cái nào nhờ người làm và cái nào thuê người làm mà vẫn sinh lợi thì chúng ta cứ chi tiền để thuê.

Tuyệt đối không nên ôm đồm quá nhiều thứ, điều này sẽ dẫn đến bị quá tải và stress. Ông Chuyền nhắn nhủ: "Bạn trẻ cũng cần học cách quản lý công việc, quản lý thời gian mỗi ngày của mình.

Đôi lúc cũng cần tự thưởng cho bản thân, dành thời gian xả stress, nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng chứ không nên lao đầu vào công việc liên tục".

Chạnh lòng, nhưng cố gắng

Công việc từ sáng đến tối vất vả là vậy, chị Mã Thị Đẹp còn dành thời gian tự học tiếng Anh. Chị học qua app kết bạn, trò chuyện, nhắn tin với người nước ngoài. Chị còn tải ứng dụng học tiếng Anh miễn phí về luyện chương trình cơ bản, nghe hội thoại bằng cách đeo tai nghe khi chở khách.

Còn chị Hương vợ anh Trương Minh Thiện dự tính học bán hàng trên mạng. "Dưới quê mẹ tôi có làm bánh tét, bánh ú để bán cho mấy đám tiệc.

Tôi đang tìm cách để đưa mấy sản phẩm nhà làm lên đây bán. Làm kiểu này đỡ mất sức, kiếm thêm được chút nào hay chút đó, cố gắng chia sẻ cùng chồng", chị nói.

-----------------------------------

Canh "giờ vàng, flash sale" và săn thêm mã "freeship" (vận chuyển miễn phí) để mua sắm là cách phổ biến mà người lao động ở TP.HCM tiết kiệm chi phí sống và bám trụ lại TP.

Kỳ tới: Nhiều kiểu tiết kiệm thông minh để trụ ở thành phố

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 2: Tiền nhiều, ít đều phải tiết kiệm và biết đầu tưThu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 2: Tiền nhiều, ít đều phải tiết kiệm và biết đầu tư

Một số bạn trẻ làm việc văn phòng chia sẻ rằng tiền nhiều hay ít thì bản thân luôn chú ý tiết kiệm, đầu tư không chỉ các kênh sinh lời mà cả việc trau dồi chuyên môn cho tương lai tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên