Có người thiếu hụt, có người vừa đủ, nhưng vẫn có người dành dụm được. Họ đã thu nhập và làm "bài toán" chi tiêu thế nào? Chuyện thực của chính người trong cuộc nuôi giấc mơ tương lai ở thành phố…
Nói về kỹ năng liệu cơm gắp mắm, chị Ngân vợ anh Lương Trọng Thể (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) là "số dách".
Chị tải rất nhiều app của các siêu thị gần nơi ở, mỗi lần khuyến mãi là được thông báo. Thùng mì giảm 30%, nước tương mua hai tính một, hay chai nước mắm giảm giá gần 50%... đều giúp gia đình tiết kiệm đáng kể.
Quá nhiều thứ phải chi tiêu
Luồn lách qua những con hẻm ngoằn ngoèo gần Khu chế xuất Tân Thuận, loáng thoáng trong các căn phòng trọ là những công nhân tranh thủ chợp mắt sau ca làm đêm hoặc chuẩn bị ca mới.
Trưa, chúng tôi ghé phòng anh Thể (44 tuổi) lúc gia đình anh đang ăn cơm. Nói là ăn cơm, thực chất chỉ có hai người con anh chia nhau tô canh rau với vài miếng thịt mỏng. Ban nãy anh cùng mẹ đã húp vội tô mì, còn vợ anh đã vào giấc.
Gia đình năm miệng ăn, nhiệm vụ kiếm tiền chỉ có vợ chồng anh đảm trách. Con lớn học lớp 3, đứa nhỏ vào mẫu giáo. Vợ chồng đi làm tối ngày, thế nên hè anh rước mẹ từ quê lên trông cháu để đỡ khoản tiền gửi con, dù ở quê mẹ làm lặt vặt cũng có đồng ra đồng vô.
Thời điểm chưa có con, vợ chồng anh làm đủ ca là rủng rỉnh, thậm chí mua mấy chỉ vàng để dành. Từ khi con đi học, vàng họ bán sạch, tiền bạc chẳng thấm đâu.
Thu nhập của anh khoảng 12 triệu đồng/tháng, cộng của chị Ngân tổng cộng được tầm 20 triệu. Song anh cho biết chẳng đủ xài, đôi lúc phải mượn tiền bạn bè, như khi con vào năm học mới.
"Mấy tháng hè này là đỡ lắm rồi đó, chứ bình quân hai đứa con đi học mỗi tháng đứt 5 triệu, tiền trọ 3 triệu, ăn uống tháng phải 4 triệu... Tháng nào mà không mượn tiền là may lắm rồi, chứ chẳng dám cầu dư", anh nói.
Không nặng gánh vợ con, anh Trần Anh Tuấn (24 tuổi, quận 7) bộc bạch sống không có dư với đồng lương 8 triệu đồng.
Đó đã là mức kịch kim. Có những thời điểm ít ca hay không đủ sản phẩm, anh Tuấn chỉ chi xài mỗi tháng với mức lương 5 - 6 triệu đồng.
Tiền trọ 3 triệu, tiền ăn uống nữa là đứt tháng lương. "Tôi đố ai kiếm được 200.000 đồng của tôi vào những ngày cuối tháng đó. Nhiều lúc chưa kịp lãnh lương là ăn mì tôm luôn", anh trải lòng.
Mua cá chiều, hàng giảm giá, ăn mì bỏ thêm cơm
Mở mắt ra là đủ thứ chi tiêu, những công nhân chịu thương chịu khó này không còn cách nào khác là tiết kiệm. Anh Thể kể bó rau 10.000 đồng cũng khéo chia hai cữ. Ai về sớm thì chạy thẳng vào siêu thị mua đồ khuyến mãi chiều. Anh từ chối những buổi lê la cà phê, kêu vợ pha sẵn mang theo uống.
Ở khu anh Thể sống, thịt cá bán cho công nhân rẻ, nhưng phải biết canh giờ lựa. "Đi tầm giấc 7 - 8h tối, thấy chỗ nào người ta đang dọn hàng thì vô mua rồi trả giá. Họ cũng muốn bán hết nên con cá 40.000 trả 25.000 - 30.000 họ cũng bán hà", anh kể.
Nói về tài liệu cơm gắp mắm, chị Ngân vợ anh mới là "số dách". Chị tải rất nhiều app của các siêu thị gần nơi ở, mỗi lần có khuyến mãi là được thông báo. Thùng mì giảm 30%, nước tương mua hai tính một, hay chai nước mắm giảm giá gần 50%... đều giúp gia đình tiết kiệm đáng kể.
Cố gắng là lẽ đương nhiên, nhưng họ vẫn thở dài vì thiếu trước hụt sau. Giá cả ngày càng tăng, còn thu nhập anh Thể sau 20 năm chỉ ì ạch lên thêm 3 - 4 triệu đồng.
Mở chiếc tủ lạnh chất đầy sữa, anh Trần Anh Tuấn nói đừng nhìn vậy mà tưởng giàu. Do đầu tháng anh mới lãnh lương mua, nhưng là hàng "săn sale" phải tranh thủ uống trước ngày hết hạn. "Bữa nào cuối tháng anh qua đây tôi cho coi. Tủ lạnh trống trơn, cái trứng gà cũng không có mà ăn. Nhiều lúc phải rút dây ra để tiết kiệm tiền điện", anh gãi đầu nói.
Anh kể nhiều lúc ăn mì gói cuối tháng phải tiết kiệm để ăn được dài. "Nấu nửa gói thôi, nhiều nước một chút, thêm tí muối mắm cho đỡ nhạt rồi nấu thêm lon gạo vô mới chắc bụng được. Ăn kiểu đó mấy ngày túng thiếu cũng đỡ lắm nha".
Vậy còn chuyện yêu đương? Sống với đồng lương 8 triệu đồng, ngay cả việc có bạn gái cũng là điều xa xỉ chứ chưa nói gì tới lập gia đình. Anh thi thoảng nảy ra ý định tìm công việc tốt hơn, lương cao hơn. Nhưng rồi nó cũng chìm nghỉm theo giấc ngủ đầy mỏi mệt của anh sau những ca làm đã kiệt sức.
Gắng dành dụm phòng thân
Chính vì nhiều thứ phải chi tiêu, đồng lương không theo kịp, một số công nhân lo xa, lại gắng chắt bóp dành dụm để phòng thân. Nhiều người thất bại với kế hoạch này, nhưng cũng có một số người gắng thực hiện được.
Anh Thạch Minh Hiếu (25 tuổi) và chị Thạch Thị Đa Vy (24 tuổi) tạm thời người làm công nhân ở TP.HCM, người bám trụ ở xí nghiệp dưới quê Cầu Kè, Trà Vinh. Mỗi lần thăm nhau, đôi vợ chồng sắp cưới động viên nhau trong hoàn cảnh mỗi người một nơi.
Làm công nhân nhà máy lưới cước, mỗi ngày ra khỏi phòng trọ ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, anh Hiếu miệt mài làm việc từ 6h đến 18h. 12 tiếng mỗi ngày, tháng anh lãnh 10 triệu đồng. Để tiết kiệm, anh ở trọ chung với hai người bà con.
Anh thiệt thà: "Cơm hai bữa bên công ty bao rồi, cuối tuần anh em tự nấu ăn. Trừ tiền trọ, tiền gửi về gia đình, mỗi tuần anh em trong dãy trọ nhậu lai rai mỗi người cỡ 200.000 thì mỗi tháng tôi để dành chừng 5 triệu".
Còn chị Đa Vy mỗi tháng lương được 8 triệu đồng. Chị nói dù ở quê nhưng giá cả chi tiêu không thua gì trên thành phố. Hiện đôi bạn trẻ dành được một khoản lo đám cưới. "Anh Hiếu ráng làm một thời gian nữa rồi về quê. Chúng tôi ước sau này mua được căn nhà nhỏ", chị tâm sự.
Lo từng bước cho con có tương lai ở thành phố
Cách trụ lại TP.HCM để nuôi con học đại học của cô bán xôi Phùng Thị Mến, 53 tuổi, thì đặc biệt hơn. Quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, vợ chồng cô có hai đứa con, một đứa đến tuổi đại học vào TP.HCM với mẹ, đứa học phổ thông thì ở nhà quê vừa học vừa làm ruộng vườn phụ cha.
Cô kể: "Tôi đã tính kỹ, nếu cả gia đình vào hết bốn người mưu sinh ở thành phố thì chi tiêu chắc chắn phải tăng gấp đôi, mà thu nhập chưa chắc theo kịp, vì ông xã là nông dân, khó kiếm việc ổn định ở thành phố.
Ổng và đứa út ở lại quê, nhà cửa không phải thuê, học phí rẻ hơn nhiều, trong khi vài công ruộng vườn và chăn nuôi nhỏ cũng đủ việc cho ổng làm quanh năm.
Tôi dẫn thằng đầu vào thành phố học Đại học Giao thông vận tải, thu nhập 300.000 - 400.000 đồng từ thúng xôi tôi bán mỗi ngày cũng đủ đắp đổi qua ngày cho đến khi nó ra trường. Gắng dành dụm thì mỗi năm gia đình cũng đoàn tụ vui vẻ được hai lần, một lần vào dịp hè, một lần vào dịp tết.
Bây giờ thì thằng đầu đã có việc đi làm, chắc sắp có thể phụ ba mẹ lo đứa em sang năm cũng vào thành phố học đại học. Giấc mơ trụ lại thành phố của tôi phải chi li từng bước như thế. Vợ chồng tôi lo xong đứa lớn, sẽ tới đứa nhỏ. Đời mình vất vả, nhưng hai đứa con sẽ đứng vững được ở thành phố nhiều tương lai này".
******************
Một số bạn trẻ làm việc văn phòng chia sẻ rằng tiền nhiều hay ít thì bản thân luôn chú ý tiết kiệm, đầu tư không chỉ các kênh sinh lời mà cả việc trau dồi chuyên môn. Như vậy, cuộc sống ở đô thị đắt đỏ bậc nhất cả nước là TP.HCM sẽ dễ thở hơn.
>> Kỳ tới: Tiền nhiều hay ít đều cần tiết kiệm và đầu tư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận