26/05/2024 09:00 GMT+7

Ngăn rác thải ngập ngụa: Cần thay đổi hành vi, nâng mức xử phạt

Tuyến bài "Rác ngập ngụa khắp nơi" trên báo Tuổi Trẻ cho thấy một thực trạng nhức nhối đang từng ngày làm xấu bộ mặt TP.HCM.

Công nhân vất vả vớt rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công nhân vất vả vớt rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhiều ý kiến cho rằng để ngăn tình trạng xả rác khắp nơi phải thay đổi hành vi cũng như các biện pháp chế tài.

Ông Phạm Bảo Toàn (trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận):

"Mang rác lên phường, đừng mang rác ra đường"

Ông Phạm Bảo Toàn

Ông Phạm Bảo Toàn

Chương trình "Mang rác lên phường, đừng mang rác ra đường" là một cách làm mà quận chúng tôi thực hiện để hạn chế tình trạng người dân xả rác ra đường phố, kênh rạch. Trên cơ sở nhu cầu của người dân đăng ký, hằng tháng các phường sẽ linh động tổ chức.

Để duy trì việc này, chúng tôi yêu cầu các phường phải thực hiện và có báo cáo hằng năm.

Nếu để địa bàn có tình trạng rác xuất hiện ngoài đường thành các điểm đen thì sẽ bị đánh giá thi đua.

Chúng tôi tạo thành phong trào gắn với thi đua để không xảy ra tình trạng làm lấy hình ảnh rồi bỏ ngỏ.

Đối với đường sắt, các phường có đường sắt đi qua đều thay bồn và trồng cây. Chúng tôi cùng Công ty Đường sắt Sài Gòn tạo một nhóm Zalo để trao đổi công việc, bảo quản, phát triển công trình xanh.

Qua thời gian thực hiện, quận đánh giá chương trình mang rác lên phường đã giúp chuyển hóa được kênh rạch, đường phố. Chúng tôi làm poster tuyên truyền cho người dân biết, tổ chức ngày hội thu gom.

Thời gian đầu, quận làm miễn phí cho người dân. Hiện nay người dân có rác cồng kềnh có thể liên hệ công ích quận hoặc đem trực tiếp lên phường và có thu phí. Có phường khuyến khích người dân, nên phí rất thấp.

Tuy có chuyển biến nhưng không phải không còn nạn xả rác bậy. Quận cũng ghi nhận vài trường hợp người dân vi phạm. Nhìn camera thấy họ đổ nhưng không bắt được vì tới nơi họ đi mất. Hành vi này diễn ra rất nhanh.

Cũng có lần chúng tôi tổ chức mật phục để bắt quả tang, nhưng họ cũng canh lại mình và đổ lúc 2h - 3h sáng. Trường hợp bắt được thì không có tiền, quyết định xử phạt tồn hoài không thi hành cũng không được. Đổ rác bậy thì mình không thể bắt người ta ra phường hay công an.

Anh Hoàng Minh (quận Bình Thạnh):

Người thu gom không lấy rác

Tôi đã từng gián tiếp thực hiện việc xả rác bậy. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa tôi có bỏ một số thùng xốp đất trồng cây, tấm nệm cũ và vài khung tranh gỗ hỏng.

10 ngày trôi qua số rác này vẫn nằm trước cửa nhà tôi và đơn vị thu gom không lấy. Tôi có hỏi thì họ nói "trả thêm tiền thì mới thu". Tôi đưa thêm cho họ 100.000 đồng nhưng họ chê ít và không chịu dọn.

Sau đó tôi có gặp một người thu ve chai. Tôi cho chị này một số phế liệu rồi kể về số rác nằm chỏng chơ trước nhà thì chị ấy nhận "xử lý" giúp tôi. Tôi cho kèm thêm chị 100.000 đồng và dặn chị bỏ vào chỗ tập kết rác gần nhà chứ đừng xả bậy. M

ấy hôm sau tôi có việc đi ngang qua một khu đất sát sông thì thấy số rác mà mình dọn nhà bỏ ra được vứt ở đây. Như vậy tôi đã gián tiếp bỏ rác ra môi trường nhưng thật sự là do người thu gom không lấy. Tôi cũng không biết nơi nào để chở tới xử lý các loại rác này.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức):

Giăng lưới B40 để ngăn vứt rác bậy

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn

Là địa phương có tuyến đường sắt dài đi qua, trước đây khu vực dọc đường ray thường thành nơi xả bậy. Chúng tôi thường xuyên vận động bà con ngăn chặn vấn nạn này.

Bên cạnh đó, cán bộ phường cũng thường ra quân dọn dẹp rác. Ở một điểm nóng xảy ra tình trạng ô nhiễm do rác thải, sau khi dọn dẹp rác xong phường làm lưới B40 ngăn người dân không vào buôn bán, vứt rác bừa bãi trở lại. Hiệu quả của việc này tương đối cao.

Nếu không làm những điều đó, những người đi ngang qua họ vứt bịch nước, hộp xốp hoặc các hộ kinh doanh khu vực xả rác thì chỉ vài ngày sau khi dọn rác đâu lại vào đó.

Đồng thời, phường vẫn duy trì đội thu gom liên tục và trích kinh phí hỗ trợ anh em. Còn ra quân "chủ nhật xanh", tổng dọn vệ sinh thì phải huy động khu dân cư, tổ dân phố... Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân và sự tham gia của họ.

Hiện trạng “đại công trường” tập kết, đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh sau khi được dọn dẹp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hiện trạng “đại công trường” tập kết, đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh sau khi được dọn dẹp - Ảnh: CHÂU TUẤN

PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Xử nghiêm vi phạm, tuyên dương nhân tố tích cực

PGS.TS Trương Văn Vỹ

PGS.TS Trương Văn Vỹ

Theo tôi, hành vi xả rác, đổ rác bừa bãi dưới nhiều hình thức xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân đầu tiên đó là ý thức của một số người chưa nhận thức được những hậu quả của hành vi xả rác đến sức khỏe của người khác cũng như môi trường.

Một số người thiếu ý thức cộng đồng, thường có thói quen xả rác bừa bãi, coi việc vứt rác bừa bãi là hành vi bình thường và không quan tâm đến lợi ích chung.

Bên cạnh đó, hành vi xả rác bừa bãi còn xuất phát từ lợi nhuận, bởi khi xử lý rác theo quy định phải tốn nhiều chi phí hơn so với xả bậy.

Chính vì lợi ích trước mắt, một số cá nhân hoặc doanh nghiệp dù có hiểu biết về pháp luật nhưng vẫn phớt lờ hoặc lén lút xả rác, đổ rác sai quy định. Điều này cũng thể hiện rằng một số cá nhân và doanh nghiệp đang thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng cũng như môi trường sống.

Việc ngăn chặn hành vi đổ rác trái phép là một vấn đề không dễ dàng đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Ngoài ra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và người dân.

Trước tiên, việc nâng cao ý thức của những cá nhân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, khuyến khích lối sống xanh, bảo vệ môi trường.

Để làm được điều này, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về những tác hại, hậu quả thông qua báo chí, trường học, các đoàn thể... Qua đó, mỗi cá nhân ý thức hơn được trách nhiệm của bản thân, có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Các cơ quan chức năng liên quan cần nâng cao việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cá nhân và doanh nghiệp vi phạm. Bên cạnh việc xử lý nghiêm cần phải tuyên dương, khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời những nhân tố tích cực, những hành động đẹp góp phần bảo vệ môi trường.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nâng mức xử phạt

Luật sư Lê Trung Phát

Luật sư Lê Trung Phát

Vứt rác bừa bãi, đổ rác trái phép được xem là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, theo đó hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 25, nghị định 45/2022/NĐCP.

Tùy vào việc vứt rác là các loại rác gì như: vứt rác là các tàn thuốc lá, vứt thải các loại rác trên vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, khu dân cư, đô thị, ao hồ kênh rạch... thì có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung bằng việc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Riêng nếu vứt, thải rác, đốt rác là các rác thải rắn, rác thải công nghiệp có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đến 150 triệu đồng theo điều 26 nghị định 45/2022.

Vứt rác bừa bãi ở các đô thị, khu dân cư thật sự là một vấn nạn gây ảnh hưởng rất xấu xí cho mỹ quan của đô thị. Tôi thấy cần nâng mức xử phạt đối với các vi phạm này. Đặc biệt các hành vi liên quan đến rác thải công nghiệp, rác thải rắn. Đồng thời cần bổ sung quy định hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tịch thu phương tiện vi phạm để những đơn vị vận chuyển thuê không tiếp tay trong việc này.

Đại diện Công ty TNHH MTV Công ích quận 1:

Khổ vì rác sau lễ hội, cuối tuần

Tại quận 1, rác bỏ ra chúng tôi thu dọn ngay, không để tồn đọng qua đêm. Do là bộ mặt của TP.HCM nên không thể để xuất hiện các điểm đen rác thải chất đống, kéo dài. Cứ phát sinh là anh em xử lý ngay lập tức.

Tuy nhiên chúng tôi cũng khổ vì vấn nạn "đụng đâu xả đó" của người dân sau các đêm lễ hội, cuối tuần. Đơn cử như phố đi bộ Nguyễn Huệ, cứ sau lễ hội hay đêm bắn pháo hoa là anh em công ích dọn dẹp tới 3h - 4h sáng mới xong, ai cũng mệt nhoài.

Vừa rồi báo chí, mạng xã hội đăng tải tuyên truyền thì có giảm nhưng cũng không đáng kể. Người ta vẫn cứ tiện là xả rồi nghĩ sẽ có người dọn.

Chúng tôi chỉ nhắc nhở là chính, lực lượng chuyên đi xử lý vấn nạn này thì không có. Ở địa bàn chúng tôi còn có một số người cứ canh các điểm tập kết rác lúc đợi xe lớn tới lấy là chở rác lại bỏ. Nhiều khi tới nơi họ không bỏ vào xe thu gom rác mà quăng ra đất rồi chạy, rác bung ra tung tóe. Có người còn mang bàn ghế, xà bần, tủ gỗ tới đổ dưới vỉa hè, chúng tôi phải hốt dọn.

Người dân nói không biết liên hệ ai để xử lý mấy loại rác cồng kềnh là không đúng. Bên chúng tôi có đội chuyên xử lý rác này, tiền thu được sẽ nộp ngân sách. Các tổ trưởng vệ sinh có gửi số liên hệ về các tổ dân phố cho người dân biết nhưng họ không gọi. Đường dây nóng để thu gom rác cồng kềnh bên chúng tôi là 0938.314.368.

Dọn sạch "đại công trường" đốt rác trái phép

Sau khi Tuổi Trẻ có bài viết "Đại công trường" đốt rác bên dòng kênh ở huyện Bình Chánh (vào ngày 24-5), phản ánh nhóm người cát cứ, tổ chức thu tiền xe rác công nghiệp vào đổ rác trái phép và đốt gây ô nhiễm môi trường, UBND xã Vĩnh Lộc A đã phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra xử lý.

Ngày 25-5, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết vị trí vi phạm đốt rác mà Tuổi Trẻ phản ánh đã được UBND xã xử lý, khắc phục hoàn thành trả lại hiện trạng. UBND xã đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để quản lý. Công an huyện Bình Chánh đang thực hiện nghiệp vụ để xác minh người có liên quan.

Ông Huỳnh Tấn Công (phó chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh):

Gặp nhiều khó khăn khi xử lý

Ông Huỳnh Tấn Công

Ông Huỳnh Tấn Công

Trên đường Phan Văn Trị (đoạn chợ Cây Thị, phường 11, quận Bình Thạnh) là một điểm đen về tình trạng vứt rác bậy nhiều năm qua. Chúng tôi dù đã làm rất nhiều cách nhưng điểm đen này vẫn còn tồn tại. Khi có lực lượng chức năng thì mọi chuyện ổn, nhưng lúc không có thì đâu lại vào đó.

Vị trí này là điểm hẹn lấy rác của đơn vị công ích. Rác được chở đến đây luôn ở trong xe. Tuy nhiên qua theo dõi, một số xe rác dân lập ở nơi khác qua đổ lén, nhưng khi thấy có lực lượng chức năng, họ bỏ chạy.

Phức tạp nhất là tình trạng nhiều người dân xả rác bậy. Một số người viện lý do thỉnh thoảng thấy có xe rác nên đem rác ra để. Thế nhưng ngày nào họ cũng đến vứt đầy, thậm chí vứt thẳng xuống đường...

Phường gặp nhiều khó khăn khi xử lý điểm đen này. Hiện tại chỉ xử lý bằng cách phạt tiền. Bên cạnh đó, phường gắn camera, vận động tuyên truyền, treo băng rôn, biển cấm... Hơn một năm nay tình trạng vứt rác bậy chỉ đỡ khi có lực lượng chức năng canh. Còn khi chúng tôi rời đi là đâu vào đó. Người dân canh chúng tôi luôn chứ không phải mình canh họ nữa.

UBND phường 11 đã có văn bản đề nghị các xe thu gom rác chỉ đem rác lại điểm hẹn trong vòng nửa tiếng trước khi xe ép rác tới, tránh trường hợp người dân thấy đậu xe nhiều, họ "té nước theo mưa". Đồng thời, UBND phường tính toán việc in tờ rơi mang đến từng nhà dân để tuyên truyền.

Nhật Bản: xử phạt nặng hành vi vứt rác bừa bãi

Rác thải được phân loại và chờ thu gom tại Nhật Bản - Ảnh: resources.realestate.co.jp

Rác thải được phân loại và chờ thu gom tại Nhật Bản - Ảnh: resources.realestate.co.jp

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia phân loại, xử lý rác thải tốt nhất trên thế giới. Mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau nhưng về cơ bản thì rác thải tại Nhật được chia thành 4 nhóm chính.

Rác đốt được bao gồm hầu hết các loại rác thải sinh hoạt, như rác thải từ nhà bếp, giấy vụn, quần áo. Có một số lưu ý như dầu ăn cần được lau sạch bằng khăn giấy hoặc sử dụng chất làm đông, diêm cần được ngâm vào nước trước khi đem bỏ... Các loại rác thải sẽ được phân loại vào các túi ni lông khác nhau và được thu gom khoảng 2 - 3 lần/tuần.

Rác không đốt được là các vật dụng kim loại và thủy tinh, chẳng hạn như chảo, chai, lọ thủy tinh, bát đĩa, đồ gốm, nhựa không thể tái chế. Các chai lọ cần được làm sạch trước khi đem bỏ, rác thủy tinh cần được bọc kỹ để tránh gây thương tích. Loại rác này thường được gom 1 lần/tuần. Rác có thể tái chế bao gồm chai, lọ, lon nhựa, thủy tinh, báo, tạp chí, bìa cứng, hộp sữa... thường được thu gom 1 lần/tuần.

Cuối cùng, rác quá khổ là các loại đồ nội thất, đồ gia dụng, giường, xe đạp... Khi muốn đem bỏ, người dân ở Nhật Bản phải đăng ký với tòa thị chính và trả một khoản phí từ 200 - 10.000 yen (33.000 - 1,6 triệu đồng) tùy kích thước. Ngoài ra, loại rác thải này chỉ được đem bỏ vào một số ngày nhất định trong tháng.

Nhật Bản cũng có quy định xử phạt rất cứng rắn với hành vi vứt rác bừa bãi. Chỉ xả một lượng rác nhỏ cũng có thể bị phạt từ 1.000 - 10.000 yen, hoặc bị giam tại cơ sở cải huấn tới 30 ngày. Nếu xả rác ở địa điểm không phải nơi thu gom, người vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu yen (hơn 1,6 tỉ). Hành vi vứt tàn thuốc lá ở nơi công cộng cũng có thể chịu phạt nặng nếu bị phát hiện nhiều lần.

‘Đại công trường’ đốt rác ở Bình Chánh được dọn sạch, treo bảng ‘Đại công trường’ đốt rác ở Bình Chánh được dọn sạch, treo bảng 'vi phạm phạt 1 tỉ đồng'

Sáng 25-5, trở lại ‘đại công trường’ đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, chúng tôi ghi nhận nơi đây đã được dọn dẹp, lối vào bị rào chắn kèm bảng cảnh báo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên