25/05/2024 12:27 GMT+7

Bình Chánh xử lý khu đất đốt rác trái phép

Chính quyền địa phương cho biết đã thu gom và xử lý toàn bộ chất thải tại khu đất bị đốt rác trái phép. Đồng thời cung cấp đường dây nóng 028.37650520 để người dân phản ảnh.

Bãi tập kết, đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: Nhóm PV

Bãi tập kết, đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: Nhóm PV

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 24-5 có bài viết "Đại công trường" đốt rác bên dòng kênh ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), phản ánh việc nhóm người cát cứ, tổ chức thu tiền xe rác công nghiệp vào đổ rác trái phép và đốt gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - chỉ đạo các đơn vị kiểm tra xử lý khẩn.

Trong khi đó, gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc cho rằng nên đồng bộ nhiều giải pháp để chấn chỉnh nạn xả rác bừa bãi.

Tăng cường tuần tra nơi bị đốt rác trái phép

Thông tin về việc xử lý "đại công trường" đốt rác, đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết khu vực trên giáp kênh NT3 thuộc ấp 7, xã Vĩnh Lộc A với diện tích 1.200m2. Trong đó, khu đất nhóm tổ chức đốt rác chiếm khoảng vài trăm m2.

Do khu vực trên ít người dân sinh sống nên có nhiều người vận chuyển và đốt chất thải rắn vào lúc đêm khuya. UBND xã Vĩnh Lộc A thường xuyên tuyên truyền vận động người dân khu vực trên khi phát hiện có xe chở chất thải vào thì báo xã hoặc trưởng ấp để phối hợp xử lý.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xã tiếp nhận thông tin và đến hiện trường thì các xe này đã rời khỏi khu vực.

Nhằm xử lý triệt để các hành vi trên, UBND xã Vĩnh Lộc A đã ban hành công văn số 1297 ngày 3-4-2024 và công văn số 1845 ngày 8-5-2024 kiến nghị Phòng tài nguyên và môi trường huyện, công an huyện hỗ trợ xử lý hành vi vận chuyển, tiếp nhận và đốt chất thải trái quy định tại thửa đất trên.

Đồng thời chỉ đạo Công an xã, trưởng ấp 7 thường xuyên tuần tra và kiểm tra khu vực trên, khi phát hiện các hành vi vi phạm thì báo về UBND xã để xử lý.

Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải thông tin, UBND xã Vĩnh Lộc A phối hợp Phòng tài nguyên và môi trường huyện, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an huyện kiểm tra, ghi nhận sự việc và xử lý theo quy định. Thông tin về việc xử lý sẽ được thông tin sau.

Xã này cho biết thêm từ đầu năm 2024 đến nay đã phát hiện và xử phạt hai trường hợp đổ chất thải rắn không đúng quy định với số tiền 7 triệu đồng. Hiện tại xã đã thu gom và xử lý toàn bộ chất thải còn lại tại khu vực trên.

Thời gian tới sẽ cho gắn bảng cảnh báo và dựng rào chắn trên đoạn đường vào khu đất. Rà soát, lắp đặt camera đảm bảo an ninh trật tự và phối hợp bảo vệ môi trường ở đoạn đường vào khu đất này cũng như những nơi ít người dân sinh sống.

Xã cũng thông tin số điện thoại nóng 028.37650520 để người dân báo khi phát hiện hành vi đổ thải bậy.

Nên đồng bộ nhiều giải pháp để chấn chỉnh

Liên quan những nội dung mà báo Tuổi Trẻ phản ánh trong tuyến bài "Rác ngập ngụa khắp nơi, ai xả?" những ngày qua, bạn đọc Lâm Phong cho rằng muốn dẹp nạn xả rác bừa bãi thì phải bắt đầu giáo dục, xây dựng ý thức từ gia đình đến xã hội.

Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính thì hình phạt lao động công ích trong một tuần hoặc một tháng tùy theo mức độ nặng nhẹ là ý kiến mà độc giả này đưa ra để xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Tuy nhiên, cũng có một số bạn đọc đưa ra lý do để lý giải cho việc xả những loại rác cồng kềnh không đúng chỗ.

"Tôi sửa nhà, trả phí nhờ bên thu gom rác vận chuyển số vật dụng hư hỏng (đã tháo và xếp gọn) nhưng họ từ chối. Có một người giao hàng thấy vậy liền đồng ý vận chuyển với mức phí thấp hơn số phí tôi dự định trả cho bên thu gom rác. Mặc dù tôi biết ngay có thể vứt bậy số rác nói trên nhưng đành chịu vì không biết gọi đơn vị nào tới để xử lý số rác cồng kềnh này", bạn đọc Trường chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề mà bạn đọc Trường vừa nêu ra, một bạn đọc đề xuất nên có một vài điểm tập kết những loại rác cồng kềnh (người thu gom rác không chịu gom) để người dân mang đến. Những điểm này sẽ do địa phương lập, có người quản lý và thu phí của người dân khi mang rác đến. Như vậy, tình trạng xả rác bừa bãi có thể được hạn chế.

Còn bạn đọc có tên "Mì Lát" cho rằng rác không phải từ trên trời rơi xuống mà đa số do những người sống xung quanh đem đến xả. Họ làm như vậy vừa gây ô nhiễm môi trường mà còn vừa tự khiến sức khỏe của mình và nhiều người bị ảnh hưởng. Để nạn xả rác không còn thì tự người dân cũng phải có ý thức về trách nhiệm của mình đối với cá nhân và xã hội.

Trong khi đó, bạn đọc có tên C.O.N. thì thông tin: "Họ thường đi vào khuya và rạng sáng để đem rác đi bỏ nơi khác. Có thể truy tìm qua camera nếu phát hiện có rác xả bậy. Cán bộ phường phải thường xuyên đi địa bàn kiểm tra".

Ngoài ra, rất nhiều bạn đọc cũng liên lạc với Tuổi Trẻ để cung cấp các địa chỉ xả rác bừa bãi khác ở TP.HCM và đề nghị báo thông tin để cơ quan chức năng xử lý.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm trong quản lý

Với "đại công trường" đốt rác tại xã Vĩnh Lộc A, ông Mai Ngọc Thứ - người dân huyện Bình Chánh - cho rằng để "vấn nạn" này xảy ra lâu nay một phần do ý thức người dân nhưng trách nhiệm quản lý và xử lý thuộc về chính quyền địa phương.

"Ngoài việc phát sinh một số điểm tập kết rác lậu thì làm sao có chuyện để một khu vực lớn, tập kết và xử lý rác như một công trường mà không biết?

Giả sử chủ bãi có hoạt động tinh vi đến mấy và cơ quan chức năng chưa kịp biết thì bây giờ, khi Tuổi Trẻ đã phát hiện và phản ánh rõ rồi, cần phải xử lý thật nghiêm để những chỗ tương tự phải tự động dẹp ngay hoặc chính quyền địa phương phải phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tổng thể trên địa bàn để giải quyết dứt điểm", ông Thứ nói.

Cận cảnh Cận cảnh 'đại công trường' tập kết, đốt rác trái phép ở huyện Bình Chánh

Qua nhiều ngày theo dõi và tìm hiểu, nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ xác định một khu đất ven kênh ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là điểm tập kết và đốt đủ loại rác thải trái phép.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên