Sự hoài nghi về chất lượng và giá trị đích thực của kiểm định giáo dục đại học là có cơ sở, như báo chí đã nêu ra gần đây, như do khung thể chế chưa chắc chắn, năng lực và nguồn lực của các tổ chức kiểm định còn hạn chế.
Đặc biệt tính liêm chính, văn hóa liêm chính, chất lượng của các trường đại học và ngay cả tổ chức kiểm định cũng có điều gì đó chưa ổn.
Bất hợp lý là trường đại học quyết tâm dán nhãn chất lượng kiểm định để hưởng lợi từ tuyển sinh, tự chủ, thúc đẩy hợp tác trường và doanh nghiệp cũng như thu hút nguồn lực, thì tổ chức kiểm định cũng có động cơ tăng nguồn thu nhập từ việc kiểm định và đào tạo cấp chứng chỉ kiểm định viên.
Điều đó dẫn đến việc trường và các tổ chức kiểm định dễ có sự thỏa thuận ngầm để thao túng, làm sai lệch những báo cáo đánh giá.
Khi các trường đại học và các tổ chức kiểm định giáo dục đại học cấu kết để phớt lờ các tiêu chuẩn pháp lý, kiểm định và làm sai lệch các báo cáo đánh giá, thỏa thuận ngầm của họ thường được biểu hiện theo những cách tinh vi, thường không thành lời.
Và khi đã có sự thỏa thuận thì các tiêu chuẩn và quy định luật pháp dễ bị xô lệch khiến các kiểm định viên bỏ qua việc không thực thi các tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt hay những thiếu sót nhất định như cơ sở vật chất thuê mướn, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng chương trình giảng dạy cũng như việc mở ngành không theo quy định hoặc không công khai.
Cũng có trường hợp kiểm định viên chỉ tập trung đánh giá vào lĩnh vực mà trường đại học đã mạnh, còn những lĩnh vực yếu kém thì có đề cập nhưng không tập trung nhận xét để giúp trường mạnh lên.
Ngoài những động cơ về lợi ích đôi bên, việc không tuân thủ các tiêu chuẩn cũng như luật pháp liên quan kiểm định có một số nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên có thể là thời gian qua chính sách, luật pháp và quy định về đào tạo hay thay đổi dẫn đến việc duy trì tuân thủ luật pháp của các tổ chức có thể gặp khó khăn.
Tiếp đến là nhận thức của chính những nhà quản lý của trường đại học. Như một số nghiên cứu chỉ ra khá nhiều trường đại học ít quan tâm đến phát triển đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng, không quan tâm thúc đẩy văn hóa chất lượng dẫn đến không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiểm định chất lượng và thiếu cam kết đảm bảo chất lượng.
Điều đó có thể dẫn đến tình trạng không tuân thủ vì các tổ chức có thể không hiểu đầy đủ các yêu cầu hoặc hệ lụy của việc không đáp ứng các yêu cầu đó.
Những áp lực bên ngoài của cơ quan quản lý và của việc tăng quy mô tuyển sinh hoặc thu hút nguồn tài trợ khiến cho một số trường đại học bỏ qua các yêu cầu kiểm định để tìm cách tránh né hoặc gian lận trong ngụy tạo dữ liệu.
Ngoài ra, nhà trường cũng chịu áp lực của việc hạn chế tự chủ về học thuật, tự chủ tài chính nên góp phần vào làm suy yếu quyền tự chủ cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm định.
Việc mở ngành loạn xạ, không chú ý đến nhu cầu lao động, không kịp chuẩn bị đội ngũ dẫn đến việc vi phạm các quy định lẽ ra cần thực hiện để có tem kiểm định.
Vậy làm gì để hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm định giáo dục đại học?
Có lẽ điều cần và trước hết là tăng cường giám sát các cơ sở kiểm định và các đại học bằng công nghệ.
Đôi khi cần thiết cơ quan quản lý đánh giá của bên thứ ba độc lập, kiểm định việc kiểm định có thể giúp đảm bảo rằng các quyết định công nhận được đưa ra một cách khách quan và dựa trên giá trị.
Đổi mới cơ chế tài chính để tách biệt việc liên quan tài chính trực tiếp giữa các trường đại học và cơ quan kiểm định. Điều này có thể thực hiện bằng cách gộp phí kiểm định ở cấp quốc gia và phân phối lại chúng một cách độc lập theo các tiêu chí khách quan minh bạch, có thể giúp giảm thiểu xung đột lợi ích.
Cần công khai các tiêu chí công nhận, hồ sơ nhân sự của đoàn đánh giá bên ngoài cùng với kết quả đánh giá công nhận, có thể giúp các cơ quan kiểm định, cá nhân các kiểm định viên và trường đại học chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan khác và xã hội nói chung.
Nhà nước nên công khai những trung tâm kiểm định chất lượng tốt và những trung tâm làm ăn thiếu minh bạch và vi phạm quy định.
Cuối cùng tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan các quy định đào tạo, nghiên cứu, đảm bảo chất lượng và nâng cao năng lực và tính liêm chính của cả trường đại học và tổ chức kiểm định.
Đi liền với quá trình đổi mới thể chế, cần thúc đẩy văn hóa chất lượng coi trọng cải tiến chất lượng hơn là sự tuân thủ một cách đối phó nặng về thủ tục hành chính. Điều đó sẽ giúp cho cả cơ quan kiểm định và trường đại học minh bạch hoạt động và chất lượng, hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận