Và nhận diện được sự căng thẳng ấy, chiều hôm qua (13-1), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chủ trì buổi họp bàn giải pháp ở các "điểm nóng" giao thông trên địa bàn.
Trong đó, tập trung giải quyết nỗi lo ùn tắc cuối năm và nhu cầu đi lại qua một số khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái - Phú Hữu, các bến xe, nhà ga...
"Vạ vật" di chuyển dịp cuối năm
Những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã hòa vào dòng người lưu thông ở nhiều cung đường nội thành, các nút giao thông cho đến đường dẫn vào cửa ngõ của TP.HCM.
Có mặt trong khung giờ từ 7h - 9h và 17h - 19h tại nút giao An Phú - một trong những điểm giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chúng tôi nhiều phen mướt mồ hôi giữa dòng xe ken đặc cùng tiếng còi xe réo inh ỏi.
Tại đây, dòng xe từ đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của và cao tốc đổ về tạo nên áp lực lớn. Điều này khiến cho khu vực này thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc kéo dài.
Một số ít người chạy xe máy "chịu hết nổi" cũng đành "liều mình" chọn cách len lỏi chạy lên vỉa hè tìm lối thoát.
Theo quan sát, đường Lương Định Của dù đã được mở rộng một phần nhưng tình trạng ô tô lấn làn hay xe buýt choán hết phần đường xe máy vào giờ cao điểm vẫn xảy ra, nơi đây luôn trong trạng thái giao thông căng thẳng.
"Đường chính kẹt quá, mà khách hối giao hàng nên tôi đành chạy vào làn xe máy. Biết là sai, nhưng không còn cách nào khác", một tài xế lái xe tải thừa nhận.
Còn tại khu vực trung tâm quận 1, giao thông cũng không kém phần căng thẳng. Tại hai tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du, việc đậu ô tô dưới lòng đường đã và đang trở thành "đặc sản". Nhiều xe dừng đỗ dọc trước Bệnh viện Nhi đồng 2 khiến làn xe máy bị thu hẹp đáng kể.
Hay như trên đường Phan Đăng Lưu, đặc biệt đoạn gần Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm cũng là câu chuyện quen thuộc.
Các biển báo "được rẽ phải khi đèn đỏ" dọc tuyến cho xe máy là giải pháp giảm tải nhưng chưa phát huy tác dụng mong đợi khi gặp trường hợp bị ô tô đậu kín hết làn đường phía tay phải.
Anh Trần Văn Nhật (ngụ TP Thủ Đức) cho biết thường ngày đi xe máy từ phường Linh Trung đến cơ quan ở quận Phú Nhuận khoảng 30 - 40 phút.
Tuy nhiên, sáng 13-1 anh phải mất khoảng 1 tiếng di chuyển và chấp nhận... trễ làm. Nguyên nhân chính là điểm ùn xe trên đường Phạm Văn Đồng hướng về sân bay Tân Sơn Nhất.
"Thường ngày tôi chạy tới giao lộ này chỉ mất khoảng một lượt đèn đỏ, hôm nay phải chờ tới 4 lượt.
Có thể nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhiều người không dám chạy lên vỉa hè, rẽ phải khi đèn đỏ để vào đường Đặng Thùy Trâm nên dòng xe ùn ứ lại. Một phần nữa là đèn tín hiệu giao thông khá lâu so với trước", anh Nhật phân tích và nói sẽ "đổi chiến thuật" đi làm sớm hơn khoảng 20 phút.
TP.HCM xử phạt hơn 22.000 trường hợp
Thống kê của PC08 từ ngày 1-1 đến 12-1, TP.HCM đã lập biên bản 22.359 trường hợp vi phạm giao thông, tước giấy phép lái xe 3.812 trường hợp, 278 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe; tạm giữ 23 ô tô, 8.127 xe máy, 249 phương tiện khác.
Trong đó có 498 trường hợp vượt đèn đỏ; 7.071 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 30 trường hợp phương tiện quá khổ, quá tải; 390 đi vào khu vực cấm, đường cấm; 878 trường hợp đi sai phần đường, làn đường; 33 trường hợp đón trả khách không đúng nơi quy định.
Kẹt xe kéo dài, tài xế lo đủ đường
Nhiều nẻo đường nội và ngoại thành TP.HCM rơi vào cảnh ùn tắc khiến người dân đi lại khó khăn, cánh tài xế chuyên chở hàng hóa, đặc biệt hàng đông lạnh, cũng "khóc ròng" vì cứ đi được một đoạn lại phải "chôn chân" ở giao lộ.
Anh Hoàng Văn Tài, một tài xế xe chở hàng đông lạnh (xe loại nhỏ) chở hàng từ miền Trung vào TP.HCM, cho biết tình trạng kẹt xe kéo dài ở khắp các giao lộ tại TP.HCM gây ra rất nhiều phiền toái, nhất là cánh tài xế chở hàng đông lạnh và rau củ tươi.
Ngày 10-1, anh có chuyến hàng hải sản giao tại quận Tân Bình cho khách (hẹn giao nhà hàng lúc 10h sáng). 9h sáng, khi xe ngon trớn ra khỏi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì khựng lại bởi phía trước nút giao thông An Phú đang kẹt cứng.
Phải mất tầm 15 phút, dòng xe mới "bò" từ từ thoát khỏi "điểm nóng" nhờ sự giải vây của lực lượng cảnh sát giao thông.
Vừa thở phào qua được "điểm nóng" này, xe của anh tiếp tục kẹt lại ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) gần 30 phút, rồi vào các tuyến đường trung tâm, đường lân cận sân bay cũng bắt đầu ùn ứ.
"Tôi giao hàng trễ cho khách gần 2 tiếng đồng hồ, rất lo sợ bị khách mắng vốn, vừa sợ chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng", anh Tài ngao ngán kể.
Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều tài xế khác cũng than thở bởi thường xuyên đối diện tình trạng "kẹt không lối thoát".
"Cuối năm, lượng xe cộ giao hàng tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhưng năm nay có vẻ nghiêm trọng hơn. Khi bị kẹt xe, tài xế xe vận tải không chỉ đối mặt với việc mệt mỏi, còn lo trễ giờ, lo bị doanh nghiệp phạt... Đối với nhóm hàng tươi sống thì còn sợ hư hỏng phải chịu trách nhiệm", một tài xế xe đông lạnh nói.
Khẳng định nghị định 168 xử phạt nghiêm là điều cần thiết, tuy nhiên tài xế này mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết câu chuyện ùn tắc để việc kinh doanh vận tải được thuận lợi. Đặc biệt dịp cận Tết ai cũng hối hả đi lại, mua bán hàng hóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cũng khẳng định việc xử phạt nghiêm các hành vi cố ý vi phạm giao thông để lập lại trật tự an toàn giao thông ở TP.HCM là cần thiết.
Tuy vậy về tình trạng ùn tắc, ông Quản cho rằng nếu không kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân, doanh nghiệp trong thời điểm Tết cận kề.
"Cho nên các đơn vị chức năng phải tăng cường giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông, rà soát điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu phù hợp. Trong đó, các điểm phải tập trung là cửa ngõ ra vào TP.HCM, bến xe, sân bay...", ông Quản nói.
Cần phải phản ứng nhanh
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp làm đồng loạt các giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực trung tâm, quanh các đầu mối giao thông lớn như sân bay, bến xe...
Khi phát sinh ùn ứ, các lực lượng cần có phương án xử lý nhanh, không để xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
"Quy định mới có một số nội dung thay đổi như việc điều khiển đèn tín hiệu giao thông hiện đã chuyển từ Sở Giao thông vận tải qua Công an TP.HCM phụ trách nên các đơn vị cần phối hợp điều chỉnh linh hoạt, tránh bị động.
TP.HCM có mật độ xe rất lớn, nhưng nguyên tắc là chúng ta phải chấp hành quy định. Vì vậy, các đơn vị cần tuyên truyền kết hợp với các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp để thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp Tết", ông Cường nói.
Hiện nay, PC08 có sáu nhóm phản ứng nhanh tại các khu vực như khu vực trung tâm TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Đông Bắc, Đông Nam... hoạt động hiệu quả, phản ứng nhanh khi các giao lộ ùn ứ.
Bên cạnh đó, khai thác hình ảnh camera tại các điểm dễ xảy ra ùn ứ để nhanh chóng đến điều tiết giao thông.
Thêm nhiều lực lượng điều tiết giao thông
Chuyên gia, cơ quan quản lý và người dân đều cho rằng để giải quyết ùn tắc giao thông không phải ngày một ngày hai, cần thời gian để người dân thay đổi và chấp nhận thói quen đi lại, xa hơn là giải bài toán phát triển hạ tầng giao thông tương xứng.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết về vấn đề cải thiện hạ tầng giao thông của thành phố đang được đơn vị đôn đốc nhà thầu hằng ngày ở các dự án mà đơn vị phụ trách.
Để hạn chế thấp nhất những tác động đến việc đi lại của bà con dịp Tết, Sở Giao thông vận tải TP.HCM có thông báo dừng đào đường và Ban Giao thông đã yêu cầu đến các nhà thầu chấp hành ở hầu hết các dự án.
Trong đó, yêu cầu nhà thầu thu gọn rào chắn, trả lại mặt bằng ở nhiều công trình. Riêng ở nút giao An phú, đây là dự án trọng điểm và phải xây dựng liên tục ngay cả dịp lễ, Tết Nguyên đán nên không thể thu gọn rào chắn.
Tuy nhiên, Ban Giao thông vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hướng dẫn người dân giãn bớt về các lối đi thông thoáng hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, đánh giá TP.HCM bắt đầu vào đợt cao điểm đi lại cuối năm của người dân với dự báo lượng xe trên đường sẽ tăng cao.
Để giảm căng thẳng giao thông, cảnh sát giao thông sẽ tăng cường người tại các giao lộ, nhà ga, bến xe, sân bay, tuyến đường vành đai, quốc lộ... để điều tiết, giải quyết nhanh các vụ va chạm, tránh ùn ứ kéo dài.
Đồng thời, cùng với cảnh sát giao thông các địa phương và lực lượng thanh niên xung phong, an ninh trật tự cơ sở... điều tiết tại các khung giờ cao điểm, tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Song song đó, phối hợp các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các nút giao gần đường dẫn cao tốc.
Cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiểm tra các vị trí, giao lộ phức tạp về giao thông để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, lắp biển báo phụ, đèn mũi tên cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ... phù hợp thực tế.
"Người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật Trật tự an toàn giao thông, đi đúng phần đường làn đường, không đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy lên hè phố... để đảm bảo an toàn cũng như góp phần giảm kẹt xe thời gian cận Tết", thượng tá Nguyễn Văn Bình khuyến cáo.
Lượng xe trung tâm TP.HCM tăng 17%
Tại cuộc họp đánh giá tình hình giao thông vào chiều 13-1, ông Bùi Hòa An, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết từ dữ liệu quan trắc cho thấy lượng xe các tuyến đường tại trung tâm tăng khoảng 17%, một số cửa ngõ cũng tăng 10%.
Năng lực thông hành xe qua các nút giao có xu hướng chậm hơn, chu kỳ đèn xanh không thể giải tỏa hết xe, ảnh hưởng tới các giao lộ liền kề.
Sau khi nghị định 168 có hiệu lực, mức phạt cao hơn nhiều so với trước nên người dân tuân thủ hơn, nhất là hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ. Đường sá ở TP.HCM lại có mật độ xe lớn, nhiều giao lộ liền kề nên dẫn đến dồn xe, dòng xe chờ khá dài...
Nhằm giảm kẹt xe, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp với cảnh sát giao thông điều chỉnh linh hoạt đèn tín hiệu giao thông. Đặc biệt là đã rà soát, nghiên cứu lắp đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ đủ điều kiện an toàn.
"Đến nay, 131 nút giao đã được lắp đèn cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ. Thời gian tới, giải pháp này được theo dõi, nghiên cứu mở rộng", ông An nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận