12/10/2023 22:38 GMT+7

Đường sắt tốc độ cao là 'trục xương sống' trên hành lang Bắc - Nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định - Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định - Ảnh: VGP

Tham dự phiên họp thứ nhất chiều 12-10 có ba phó trưởng Ban Chỉ đạo, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp.

Đường sắt tốc độ cao đang lỡ hẹn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng hiện hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Bằng phương thức tiếp cận tổng hợp, liên ngành kỹ thuật - khoa học công nghệ - kinh tế, Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu để đưa ra quan điểm, cơ sở khoa học, thực tiễn đối với từng phương án để tìm ra kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao (công nghệ, độ an toàn, tốc độ, quy mô…) phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước.

"Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững trong "hệ sinh thái" giao thông vận tải hướng đến tự chủ phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kỹ thuật", Phó thủ tướng nói.

Lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao

Trong phiên họp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc - Nam.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ kịch bản phát triển đường sắt khai thác chung khách và hàng hóa hoặc riêng hành khách; quy mô, tốc độ; khả năng huy động nguồn lực, làm chủ công nghệ, tỉ lệ nội địa hóa của công nghiệp đường sắt…

Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc triển khai đề án có căn cứ chính trị rõ ràng trong kết luận 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Đề án cần tập trung làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước, chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động.

Đồng thời đề xuất "gói cơ chế, chính sách pháp luật" về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…

Tính toán nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số; hình thành ngành công nghiệp để làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao…

Phó thủ tướng nhấn mạnh đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang Bắc - Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới.

Đồng thời đưa ra các mục tiêu rõ ràng dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương; góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ…

"Việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư", ông Trần Hồng Hà nói.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra; kế thừa và tiếp thu nghiêm túc những điểm mới, phù hợp thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước cũng như xu thế trên thế giới.

UBND TP Hà Nội muốn giữ nguyên hướng tuyến đường sắt tốc độ caoUBND TP Hà Nội muốn giữ nguyên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao

UBND TP Hà Nội bày tỏ quan điểm giữ nguyên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa phận Hà Nội từ ga Ngọc Hồi xuống phía Nam, như phương án đã được UBND TP Hà Nội thỏa thuận vào năm 2018.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên