Còn phải xây rất nhiều, cần vốn khủng. Trong năm năm tới TP.HCM cần 5 triệu tỉ đồng (16 chữ số) để làm hạ tầng, đô thị. Tiền từ đâu? Ngân sách nhà nước không thể kham nổi. Phải huy động nguồn lực xã hội.
Giải pháp đó là phải làm cho tư nhân "say sưa" đầu tư hạ tầng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tôi có trao đổi với anh Vượng Vingroup xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa".
Nhìn lại, sau sự cố với các trạm BOT trên quốc lộ, tư nhân gần như tránh xa các dự án cơ sở hạ tầng.
Bởi nhiều dự án bỏ vốn vào là "dính", đối mặt nợ xấu, khó thu hồi vốn. Rất nhiều tỉnh thành đã mời gọi tư nhân vào làm dự án BOT nhưng khi dự án khó khăn thì lại im tiếng, để doanh nghiệp tự xoay xở.
Tư nhân quay lưng với hạ tầng, hệ quả là Nhà nước phải choàng gánh, đi vay để có tiền làm đường. Phần lớn các dự án đường cao tốc đã và đang triển khai đều là vốn đầu tư công.
Tư nhân đứng ngoài quá trình phát triển hạ tầng quốc gia là một bước lùi lớn, làm yếu đi động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước, khiến hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia không lớn mạnh, vươn mình khắp nơi như chúng ta mong muốn.
Nhưng chúng ta cũng có những bài học quý của đầu tư tư nhân. Đó là sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Rồi các dự án của "ông Vượng" thường được người dân kháo nhau là đúng tiến độ, triển khai bài bản... Quốc hội cũng đã sửa Luật Đầu tư theo phương thức PPP để gọi vốn tư nhân thuận lợi hơn.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Khi gọi vốn tư nhân vào hạ tầng, chúng ta phải xác định nguyên tắc lợi ích hài hòa, khó khăn cùng chia sẻ, không thể bên được cả, kẻ khó khăn, hạn chế các dự án dở dang, khó thu hồi vốn thiệt hại cho doanh nghiệp mà lý do từ môi trường đầu tư.
Chưa kể những ông chủ tư nhân, ngoài tính toán làm ăn, họ còn có những đam mê riêng như làm điều gì đó có lợi cho quốc gia, cho dân sinh, kể cả những dự án, công trình để đời và xem đó là "lợi nhuận" của họ. Vì thế cần khởi động lại chính sách để tư nhân "say sưa" đầu tư vào hạ tầng.
Có vậy mới xóa được câu hỏi vì sao chúng ta làm rất tốt việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng lại chưa thể hướng doanh nghiệp nội trở lại say sưa đầu tư vào hạ tầng!
Hơn nữa, tư nhân làm hạ tầng đâu chỉ có những doanh nghiệp lớn. Nếu chính sách tốt, tư nhân đó chính là chúng ta, từng người dân đất Việt.
Mỗi người dân có thể tham gia đầu tư những dự án hạ tầng lớn thông qua trái phiếu đô thị, sau này là trái phiếu doanh nghiệp... như TP.HCM dự kiến sẽ phát hành trái phiếu để làm metro.
Người dân có thể mua trái phiếu hoặc từ những đồng vốn nhỏ lẻ của họ thông qua các quỹ, công ty bảo hiểm, ngân hàng... sẽ gom lại thành những số vốn lớn để mua trái phiếu hạ tầng.
Cơ chế tốt, tiền nhỏ sẽ thành tiền to, đủ 5 triệu tỉ, thậm chí nhiều hơn để làm hạ tầng, phát triển đô thị. Môi trường tốt để tư nhân say sưa làm hạ tầng, để có những metro Cần Giờ PPP là đích mà chúng ta phải hướng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận